Ngày 25/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho biết các biện pháp khẩn cấp giúp Chính phủ còn tiền chi tiêu sẽ hết tác dụng trước ngày 17/10. Khi ấy, họ sẽ chỉ còn khoảng 30 - 50 tỷ USD trong ngân sách. Theo WSJ, lời cảnh báo này có thể đẩy nhanh các cuộc đàm phán tài khóa tại Quốc hội.
Trong thư gửi các nghị sĩ, Bộ trưởng Lew cho biết số tiền này “còn lâu mới đủ bù các khoản chi có thể lên tới 60 tỷ USD gần đây”. Ông kêu gọi Quốc hội nâng trần ngay để Mỹ không bị vỡ nợ. Chính phủ đã chạm trần nợ 16.700 tỷ USD từ tháng 5, khiến Bộ Tài chính phải áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp để có tiền chi tiêu, như hoãn thanh toán lương hưu.
Sau thông báo của Bộ Tài chính, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hôm qua cũng dự đoán Chỉnh phủ sẽ hết sạch tiền vào khoảng 22/10 – 31/10. Nếu trần nợ không được nâng, 17/10 sẽ là phép thử lớn với Chính phủ, vì sẽ phải trả khoản nợ 120 tỷ USD đáo hạn ngày hôm đó. Sức hấp dẫn của trái phiếu với nhà đầu tư cũng sẽ tùy thuộc khả năng đạt được thỏa thuận ngân sách.
Bộ Tài chính trước đó dự đoán các biện pháp khẩn cấp sẽ hết tác dụng vào giữa tháng 10. Khi ấy họ sẽ còn 50 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên, con số này đã bị hạ xuống do tiền thuế thu được gần đây thấp hơn dự kiến.
Thêm vào đó, tài khóa mới của Chính phủ sẽ bắt đầu từ ngày 1/10, nhưng dự luật ngân sách cho năm 2014 vẫn chưa được thông qua. Việc này đang làm dấy lên mối lo nhiều cơ quan liên bang sẽ phải đóng cửa do không có tiền để hoạt động, CNN cho biết.
Ngày 20/9, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời trị giá 986 tỷ USD, tài trợ cho hoạt động của các cơ quan liên bang trong thời 1/10 - 15/12. Tuy nhiên, các hoạt động được cấp ngân sách không bao gồm chương trình chăm sóc y tế của Chính quyền ông Obama.
Giới phân tích cho rằng Thượng viện sẽ bác bỏ dự luật này và thông qua kế hoạch ngân sách riêng. Dù vậy, trong vòng bỏ phiếu đầu tiên ngày 25/8, dự luật này đã được thông qua. Vòng cuối cùng tại Thượng viện sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Tổng thống Obama cuối tuần trước cũng đã lên tiếng thúc giục Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật ngân sách để Chính phủ không bị đóng cửa sau ngày 1/10 và nâng trần nợ để Mỹ tiếp tục chi tiêu. Nhưng theo giới phân tích, với tính trạng ngân sách thâm hụt và chi lúc nào cũng nhiều hơn thu, cạn tiền chỉ là vấn đề tính theo ngày. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng “vỡ nợ kỹ thuật” khi Mỹ không thể thanh toán một số khoản nợ.
Trong thư trình lên Quốc hội, ông Lew cũng nhận xét việc đảng Cộng hòa đề xuất “ưu tiên” thanh toán cho Bộ Tài chính, như trả lãi cho trái chủ trước, chỉ “đơn giản là cách gọi khác của vỡ nợ”.
Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng Bộ Tài chính có thể cố gắng duy trì số tiền trên lâu hơn để các nhà làm luật có thêm thời gian quyết định. Tuy nhiên, số khác lại cảnh báo trì hoãn có thể phản tác dụng nếu thị trường tài chính rối loạn thêm.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện muốn dùng điều kiện nâng trần nợ trong một năm để đổi lấy thỏa thuận hoãn thực thi luật chăm sóc y tế của Nhà Trắng, hoãn thay đổi chương trình Medicare, sửa thuế và một số điều luật ưu tiên khác.
Tuy nhiên, Nhà Trắng và rất nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào đi kèm nâng trần nợ và không đàm phán với đảng Cộng hòa về vấn đề này. Việc này đã khiến nhiều nghị sĩ và nhà phân tích băn khoăn liệu hai bên có đạt được thỏa thuận trước ngày 17/10.
Hồi đầu tuần, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s cũng cho biết nếu trần nợ không được nâng, “nhận định Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ sẽ làm náo loạn thị trường tài chính, phá vỡ niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp”. Giới phân tích cho rằng nó có thể khiến lãi suất tăng vọt và thị trường chứng khoán lao dốc, dù mức độ và tốc độ ảnh hưởng vẫn chưa tính toán được, do Mỹ chưa từng trải qua tình trạng này trong lịch sử.
Chris Krueger - nhà phân tích tại Washington Research Group cho biết khả năng trần nợ không được nâng là 40%. Potomac Research Group thì dự đoán nguy cơ Mỹ vỡ nợ “rất thấp, nhưng không phải là 0%”. Họ còn cho rằng thỏa thuận sẽ chỉ đạt được sau khi thị trường tài chính “phát tín hiệu giận dữ”. Chi tiết hơn, Credit Suisse thì dự đoán Chính phủ sẽ cạn tiền vào ngày 24/10 và thị trường tài chính có thể náo loạn ngay từ ngày 10/10 nếu đến thời điểm đó, giới đầu tư vẫn cho rằng Quốc hội chưa thể đạt thỏa thuận về trần nợ.
Tháng 8/2011, các nhà làm luật đã mất hàng tháng mới đi đến thỏa thuận nâng trần nợ công, chỉ chưa đầy 24 giờ trước khi Mỹ chính thức rơi vào cảnh vỡ nợ. Việc này đã khiến họ lần đầu tiên bị hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ một bậc xếp hạng xuống AA+.
Thùy Linh