Đến lúc đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ chỉ còn 50 tỷ USD tiền mặt. Số tiền này không đủ để trả các khoản nợ của quốc gia "trong thời gian dài" và "vào ngày nào đó, chi phí sẽ vượt quá con số này", Lew viết trong thông báo gửi Quốc hội Mỹ. Trần nợ hiện tại của nước này là 16.700 tỷ USD, Bloomberg cho biết.
"Chúng ta không thể ước tính chính xác ngày Bộ Tài chính sẽ cạn kiệt tiền mặt", ông cho biết, do có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thời điểm này, như nguồn thu thuế. Lew cho rằng trần nợ lẽ ra phải được nâng sau ngày 1/5 do Mỹ đã chạm trần vào giữa tháng đó. Đến nay, Bộ Tài chính đã phải thực hiện "hàng loạt biện pháp phi thường" để tiếp tục chi trả cho các hoạt động của đất nước. Một trong số đó là ngừng phát hành trái phiếu Chính phủ và địa phương, theo CNN.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 10, tất cả biện pháp này sẽ hoàn toàn không còn tác dụng. "Bất kể tình hình tại Mỹ như thế nào, nếu tính đến hạn thanh toán, khả năng dao động của dòng tiền và hậu quả kinh khủng của việc tính toán sai, Quốc hội vẫn phải hành động trước thời điểm giữa tháng 10", Lew nhấn mạnh.
Nếu Quốc hội không nâng trần kịp thời, Mỹ sẽ gặp rủi ro vỡ nợ. Không thể vay thêm từ thị trường, Bộ Tài chính cũng sẽ không có đủ tiền để chi trả cho Mỹ trong thời gian tới.
Cơ quan này khi đó sẽ phải ra những quyết định rất khó khăn. Một là chọn ai để trả cho đến khi các nhà làm luật chấp thuận nâng trần nợ. Hai là hoãn việc thanh toán đến một thời điểm nào đó.
Cuộc chiến nâng trần nợ được giới phân tích dự đoán sẽ còn phức tạp hơn khi Quốc hội nhóm họp trở lại vào ngày 9/9. Các nhà làm luật vẫn chưa thông qua ngân sách cho năm 2014 và không thống nhất sẽ giữ nguyên hay sửa đổi chương trình cắt giảm chi tiêu tự động.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chia rẽ sâu sắc về mức chi tiêu. Tháng trước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner còn tuyên bố đảng Cộng hòa sẽ không nâng trần nợ trừ phi Chính phủ "cắt giảm chi tiêu thực sự" để giảm thâm hụt ngân sách.
Tháng 8/2011, các nhà làm luật đã mất hàng tháng mới đi đến thỏa thuận nâng trần nợ công, chỉ chưa đầy 24 giờ trước khi Mỹ chính thức rơi vào cảnh vỡ nợ. Việc này đã khiến họ lần đầu tiên bị hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ một bậc xếp hạng xuống AA+.
Thùy Linh