Các đại lý cho biết lô đầu sẽ bán khoảng 500 bộ sạc, với giá 6 triệu đồng, có chức năng đổi điện xoay chiều sang một chiều (AC-DC) để nạp từ nguồn điện tại nhà vào pin xe. VinFast cho biết VF 3 sạc chậm tại nhà từ 10% lên 70% mất 5 giờ, tức 60% của bộ pin 18,64 kWh. Điều đó đồng nghĩa bộ sạc tại nhà sẽ có công suất 2,2 kW.
Trên website của VinFast, bộ sạc công suất 2,2 kW có giá rẻ nhất với khoảng 4 triệu đồng, dành cho các mẫu xe lớn hơn VF 3, vốn đã có sẵn bộ biến tần AC-DC trong xe.
Như vậy bộ sạc của VF 3 có mức giá cao hơn khoảng hai triệu vì tích hợp thêm bộ chuyển đổi dòng điện AC thành DC, có cấu tạo phức tạp và nhiều linh kiện hơn.
Tới trước khi hãng mở bán bộ sạc tại nhà, người dùng chỉ có thể sạc VF 3 tại các trạm công cộng ở trụ sạc nhanh DC, với công suất 30 kW trở lên. Người dùng cho biết thực tế khi cắm sạc, xe nhận dòng khoảng 25 kW. Nghĩa là, có thể sạc 20% lên 80% trong khoảng 25-30 phút. Theo công bố của hãng, VF 3 sạc 10% lên 70% pin khoảng 36 phút.
Ngoài bộ sạc, các đại lý cũng cho biết phụ kiện camera lùi giá vào khoảng 1,7 triệu đồng.
VF 3 là mẫu xe điện mini được ông Phạm Nhật Vượng tiết lộ thông tin vào giữa tháng 5/2023 khi họp cổ đông Vingroup. Đến tháng 6/2023 hãng giới thiệu thiết kế và tên xe. Tháng 1 năm nay xe ra mắt tại triển lãm CES (Mỹ). Đầu tháng 5 hãng tung giá xe, giữa tháng 5 nhận đặt cọc và hé lộ bản tiền sản xuất cho giới truyền thông. Hiện có khoảng 100 chiếc VF 3 đã giao cho khách, trong số 20.000 xe mà hãng dự kiến giao trong 2024.
VF 3 có chiều dài x rộng x cao là 3.190 x 1.679 x 1.622 mm, trục cơ sở 2.075 mm. Kích thước của VF 3 nhỉnh hơn Wuling Mini EV (2.920 x 1.493 x 1.621 mm, trục cơ sở 1.940 mm). Nếu so với Kia Morning (3.595 x 1.595 x 1.495 mm, trục cơ sở 2.400 mm), VF 3 ngắn hơn nhưng cao và rộng hơn đáng kể. Trong khi đó, Morning vượt trội về trục cơ sở.
VF 3 trang bị một môtơ công suất 43 mã lực đặt ở cầu sau, mô-men xoắn 110 Nm. Chiếc xe điện mini có hai chế độ lái Eco và Normal.
Phạm Hải