Cảnh tượng này đã xuất hiện suốt bảy năm kể từ khi Trần Thăng Khoan mất con trai.
Trần năm nay 34 tuổi, ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Khi sinh ra, bàn chân anh đã bị biến dạng và không thể đi lại bình thường. Để di chuyển được như những đứa trẻ khác, thay vì đứng dậy tập đi, Trần chỉ biết bò. Năm 20 tuổi, người đàn ông này được nhận vào làm công nhân của một nhà máy gần nhà.
Tại đây, Trần gặp một thiếu nữ cũng tàn tật. Hai người yêu nhau rồi kết hôn. Tháng 4/2013, con trai Trần Đào Nguyên chào đời. Đứa trẻ khỏe mạnh và đáng yêu, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình nhỏ.
Nhưng ngày 2/1/2015, Đào Nguyên đột ngột biến mất trước cửa nhà. Trần khi đó đang làm việc đã vội vã trở về, bò xung quanh làng tìm kiếm nhưng không có tung tích. Không có camera cũng như nhân chứng, cuộc điều tra của cảnh sát địa phương đi vào ngõ cụt.
Người cha nghi ngờ con trai bị bắt cóc nhưng anh không có bất kỳ manh mối nào về những kẻ buôn người. "Tôi rất tuyệt vọng vào thời điểm đó, thậm chí còn không muốn sống", Trần hồi tưởng.
Để thoát khỏi đau đớn, người cha không ngừng tự nhủ, nếu bản thân tuyệt vọng sẽ không bao giờ gặp lại con trai.
Vì vợ cũng là người tàn tật nên một mình Trần ra ngoài tìm con. Thời điểm sau khi cậu bé mất tích, anh đã bò khắp thành phố Trạm Giang đăng thông báo tìm người. Ở những nơi có nhiều người qua lại như nhà ga, bến xe... Trần sẽ ở lại đó vài tiếng, hỏi hết người này đến người khác. Mệt mỏi, lại nằm xuống ven đường nghỉ ngơi.
Để tìm kiếm sự giúp đỡ của truyền thông, Trần đã chi vài nghìn tệ đăng thông báo trên đài truyền hình địa phương cũng như tìm đến Hội người khuyết tật thành phố. Mỗi lần có tin báo ở đâu đó nghi ngờ về thông tin con trai, anh lại lập tức lên đường.
Vài tháng sau, có người mách Trần đến Quảng Châu, nơi có nhiều phương tiện truyền thông và những người tốt bụng. Tại đây, Trần nhận được sự chú ý mà anh nói "không tưởng tượng nổi", đồng thời có thêm nhiều manh mối. Nhưng kết quả là những đứa trẻ đó không phải là Đào Nguyên.
Sau đó, "dấu tay" của Trần Thăng Khoan ngày càng đi xa. Suốt bảy năm qua, anh đã đến Bắc Kinh, Nam Kinh, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông và các tỉnh thành khác. Hành trình tìm con đưa người đàn ông này tới nhiều nơi anh chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra. "Một nửa đất nước Trung Quốc," Trần ước lượng.
Để tìm con trai, người cha này thường đi mười ngày rồi trở về. Mặc dù tằn tiện hết mức có thể nhưng anh đã tiêu hết số tiền tiết kiệm 30.000 tệ (107 triệu đồng). Trần vừa đi tìm con vừa làm việc để duy trì cuộc sống gia đình, cũng như có thêm lộ phí để tiếp tục cuộc hành trình mà anh chưa biết khi nào mới dừng lại.
Người đàn ông này cũng tham gia vào nhóm phụ huynh có con bị bắt cóc. Những nhóm này thường tổ chức các hoạt động tìm kiếm theo thời gian cụ thể, nhưng đôi khi, thành viên nhóm cảm thấy Trần Thăng Khoan đi lại khó khăn, di chuyển bất tiện nên không yêu cầu anh đi cùng. Nhưng Trần vẫn nhất quyết tham gia, bởi anh muốn nhiều người biết tới việc con trai mình bị bắt cóc. "Con là mạng sống của tôi, bởi vậy dù ở đâu tôi vẫn đi tới cùng", người cha khẳng định.
Trong quá trình này, anh cũng nhận được những lời chế giễu, thậm chí có người bảo anh "làm màu", lừa tình thương của người khác, nhưng Trần không quan tâm. Anh thừa nhận đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều mạnh thường quân, có người mua cho nước và thức ăn, có người cho tiền hay giúp chỗ ở.
Nhiều năm trôi qua, Trần và vợ có thêm một con trai và một con gái, nhưng mối quan tâm của anh dành cho Đào Nguyên vẫn giữ trọn vẹn. Vào ngày sinh nhật cậu bé, ông bố luôn mua một chiếc bánh nhỏ để chúc mừng cậu con trai không biết đang ở đâu.
Hai năm trở lại đây, ảnh hưởng của Covid-19 và áp lực con cái nên những chuyến đi của Trần cũng ít hơn. Tuy vậy, người đàn ông này chưa bao giờ từ bỏ ý định tiếp tục tìm con của mình.
"Tôi từng gặp ác mộng. Trong giấc mơ ấy, Đào Nguyên bảo với tôi rằng ' bố không muốn tìm con'. Tôi thức dậy khi trên người đầm đìa mồ hôi. Nhưng giờ, tôi lại mơ tìm thấy con và cả hai bố con đều hạnh phúc", Trần nói.
Vy Trang (Theo Huanqiu)