Ngày cuối cùng của năm 2021, Triệu Vĩnh Dũng đăng lên trang cá nhân dòng trạng thái: "Tôi vẫn sống một mình. Những người cô đơn luôn ngủ muộn...".
Vĩnh Dũng sinh năm 1986 tại huyện Khai Giang, thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Khi còn nhỏ anh có một gia đình hạnh phúc. Mọi đau khổ bắt đầu vào mùa hè năm 1994.
Ngày 12/7/1994, người mẹ dẫn con trai Triệu Vĩnh Dũng, 8 tuổi và Triệu Vĩnh Khang, 5 tuổi vào thị trấn. Đi qua một ngôi nhà trong thị trấn, một người lạ mặt chủ động bắt chuyện và rủ ba mẹ con vào nhà. Tại đây người mẹ bị sát hại, hai con trai bị bắt cóc bán đến tỉnh Phúc Kiến.
Ở nhà bố mẹ nuôi, Triệu Vĩnh Dũng được đặt lại tên là Tôn Dương. Cuộc sống của anh vô cùng khổ cực khi thường xuyên phải làm việc đồng áng và bị bỏ đói. Học đến lớp 5, bố mẹ nuôi bắt Triệu bỏ học. Vì có chút năng khiếu hội họa nên cậu bé theo người làng học nghề điêu khắc ngọc bích tại tỉnh Quảng Đông.
Tiền làm công chỉ đủ thuê nhà trọ, Triệu thậm chí không đủ tiền mua mì gói. Để chống đói, anh thường uống nước cho đầy bụng. Nhiều lúc quá khó khăn, Triệu nghĩ đến việc tự tử. Có thời điểm anh trèo lên nóc một tòa nhà muốn nhảy xuống nhưng hình ảnh về cái chết của mẹ lại hiện lên trong đầu.
"Chưa tìm được thủ phạm giết mẹ, chưa thể chết", chàng trai tự nhắc mình.
Năm 2005, Vĩnh Dũng quyết định tìm lại gia đình thông qua trí nhớ. Một lần đến Tứ Xuyên, anh nghĩ quê mình gần đó bởi hương vị các món ăn tương tự. Cứ cuối tuần, anh lại bắt tàu đến nhiều tỉnh thành tìm kiếm, lùng sục từng ngóc ngách. Tiền kiếm được hầu như Vĩnh Dũng đều đổ vào việc tìm gia đình.
Ngày 11/9/2012, với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, Triệu đã gặp lại cha mình tại huyện Khai Giang, thành phố Đạt Châu, Tứ Xuyên. Sau khi xét nghiệm ADN, họ chính thức nhận nhau. Cũng từ manh mối này, cảnh sát đã tìm ra thủ phạm giết mẹ anh. Năm 2013, cậu em trai Triệu Vĩnh Khang cũng được tìm thấy.
Thời điểm này, Vĩnh Khang đang làm việc tại Bắc Kinh. Vĩnh Dũng đã tìm gặp em rồi cả hai bắt tàu về Tứ Xuyên gặp bố.
Cứ tưởng tìm được gia đình là cái kết có hậu cho hai anh em. Nhưng vì hai người sống ở những môi trường khác nhau nên giữa họ không có điểm chung. Khác với người anh, cậu em chỉ quan tâm đến cuộc sống hiện tại, không muốn kết nối với người ruột thịt, vì vậy họ không giao tiếp nhiều.
Người cha cũng có gia đình mới sau ba năm vợ và hai con trai mất tích. Mẹ kế cũng rất quan tâm tới người bố dù họ không có con chung. Triệu Vĩnh Dũng thấy rằng ngay cả khi anh đã tìm gia đình thực sự của mình, cũng không thể hòa nhập vào môi trường đó.
"Ngôi nhà cũ trước đây chúng tôi sống cũng bị phá bỏ rồi. Vì vậy, khi ở nhà bố, tôi không còn thấy sự ấm áp, quen thuộc", Vĩnh Dũng nói.
Việc chuyển tro cốt của mẹ càng làm sâu sắc thêm sự cách biệt giữa Vĩnh Dũng và gia đình bên nội. Anh hy vọng mẹ mình có thể được chuyển về khu mộ tổ tiên của gia đình họ Triệu nhưng đề xuất này bị phản đối kịch liệt. Cũng vì lý do này, mà hai anh em Vĩnh Dũng, Vĩnh Khang mâu thuẫn với bố đẻ. Vĩnh Dũng cũng muốn chuyển hộ khẩu về quê cũ nhưng tiếp tục bị phản đối. Sau này anh bí mật chuyển về nhưng bị họ hàng bên nội phát hiện ra. Họ yêu cầu anh phải san sẻ chi phí tang lễ ông bà nội, dù họ mất đã nhiều năm.
Một loạt những mâu thuẫn khiến mong muốn về nhà của Triệu Vĩnh Dũng không thành. Người đàn ông này cảm nhận họ hàng không coi trọng mình. Việc tìm thấy người thân không khiến anh bớt áp lực mà còn kéo theo những rắc rối mới. Bởi vậy, anh ngày càng ít liên lạc với gia đình.
Triệu Vĩnh Dũng và em trai Triệu Vĩnh Khang cũng trở thành "những người xa lạ thân quen nhất". Dù tìm thấy cha và em trai, nhưng người đàn ông này vẫn sống trong cô đơn. "Tất cả hậu quả này đều do bọn buôn người gây ra", Vĩnh Dũng nói.
Triệu Vĩnh Khang đã kết hôn và sống tại Bắc Kinh, trong khi Vĩnh Dũng vẫn ở Quảng Đông, mới đây đã chuyển đến Trùng Khánh để kinh doanh ngọc bích.
"Phần lớn tiền tiết kiệm trước đây tôi đều dùng để tìm lại gia đình. Giờ tôi không có xe, không có nhà nên mọi thứ vẫn tạm bợ", Vĩnh Dũng nói. Anh chưa có vợ, đã lập nghiệp vài lần nhưng không thành công. Hai năm qua do đại dịch, việc kinh doanh không dễ dàng nhưng người đàn ông này quyết không nhờ vả gia đình.
Cuộc sống Triệu Vĩnh Dũng khó khăn nhưng vẫn rất lạc quan. Anh thích chia sẻ cuộc sống của mình trên nền tảng video ngắn, đôi khi còn hát, nấu ăn và khoe những sản phẩm từ ngọc bích do tự tay chế tác. Đã mười năm kể từ ngày tìm thấy người thân, Vĩnh Dũng đã cắt phăng mái tóc dài và thân hình cũng tròn trịa hơn đôi chút, nhưng anh vẫn cô đơn.
Sau khi tìm được gia đình, dù không hoàn hảo, nhưng người đàn ông này vẫn chú ý đến tin tức về những đứa trẻ bị bắt cóc. Anh nói rằng không bao giờ hối hận vì nỗ lực của mình trong những năm tháng đó.
"Điều tôi hy vọng nhất là những đứa trẻ bị bắt cóc được về nhà càng sớm càng tốt. Mong rằng chúng sẽ có cái kết tốt hơn tôi", anh nói.
Vy Trang (Theo qq)