Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), đây là điều rất đáng lo ngại, vì sự chậm trễ này có thể dẫn đến sự bùng phát trở lại của các dịch bệnh nguy hiểm khác, vốn có thể phòng ngừa bằng vaccine. Ngay cả khi giãn cách xã hội, bố mẹ cũng không nên bỏ lỡ lịch tiêm chủng cho trẻ từ 6 tuần tuổi bởi ba lý do sau:
Nguy cơ từ nguồn dịch luôn tồn tại
Covid-19 bùng phát và lây lan nhanh chóng khiến mọi người nhận thức rõ ràng hơn về tác động khủng khiếp của dịch bệnh lên cá nhân, áp lực với hệ thống chăm sóc sức khỏe và cả nền kinh tế toàn cầu. Nguy cơ từ dịch bệnh luôn tồn tại, ngay cả với các loại bệnh đã được kiểm soát. Điều này cho thấy, việc bảo vệ trẻ nhỏ ngay từ 6 tuần tuổi khỏi các bệnh nguy hiểm bằng cách tiêm phòng là rất cần thiết và cần thực hiện nghiêm ngặt. Nếu không tuân thủ lịch chủng ngừa hay bỏ mũi tiêm nhắc do e ngại tình hình giãn cách xã hội sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như viêm phổi hay viêm màn não do phế cầu khuẩn, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, tiêu chảy cấp.
Bé sơ sinh có hệ miễn dịch yếu hơn
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh vốn còn non yếu và chưa hoàn thiện. Do đó, nếu việc chủng ngừa bị trì hoãn hoặc ngắt quãng, trẻ sẽ bỏ lỡ mất cơ hội "vàng" để được bảo vệ bởi vaccine và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sau này.
Giải thích rõ hơn về tầm quan trọng của việc chủng ngừa đúng và đủ lịch cho trẻ từ 6 tuần tuổi, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, cho biết: 6 tháng đầu đời là thời gian trẻ dễ tiếp xúc và bị tấn công bởi các bệnh nguy hiểm. Nếu không chủng ngừa sớm ngay từ 6 tuần tuổi, bé sẽ không được bảo vệ tốt, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, mẹ hay bỏ lỡ lịch tiêm vaccine cho bé. "Đối với các bé nhỏ hơn 6 tháng, một khi mắc bệnh sẽ diễn tiến rất nặng. Vì vậy, các nhà khoa học trên thế giới đã điều chế những loại vaccine có thể chủng ngừa cho trẻ từ sớm, cũng như nghiên cứu đưa ra lịch tiêm phù hợp để tạo nên sự bảo vệ vững chắc cho trẻ từ 6 tuần cho tới 6 tháng tuổi", ông nói thêm.
Chủng ngừa đúng thời điểm giúp bảo vệ trẻ sớm với hiệu quả miễn dịch cao
Các khuyến cáo về lịch chủng ngừa bằng các loại vaccine xây dựng dựa trên gánh nặng của bệnh, tính chất nguy cơ cũng như các dữ liệu nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng trong nhiều năm. Bé sơ sinh có khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm trong suốt giai đoạn đầu đời, do đó, mẹ cần có sự tư vấn ngay của bác sĩ để chủng ngừa đúng thời điểm và đầy đủ.
Bố mẹ nên lưu ý giai đoạn 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi, trẻ phải hoàn tất lịch chủng ngừa phòng các bệnh nguy hiểm như bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm màng não do Hib, viêm gan B, tiêu chảy do virus Rota, viêm màng não hay viêm phổi, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn... Trong đó, thuốc uống ngừa virus Rota cần hoàn tất hai liều trước 6 tháng tuổi. Qua thời gian này, bé sẽ mất cơ hội phòng ngừa virus gây ra tiêu chảy cấp.
Thiên Minh
Bố mẹ liên hệ bệnh viện, trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn khi bé được 6 tuần tuổi. Ngay trong thời gian giãn cách xã hội, bố mẹ vẫn nên tranh thủ hoàn tất lịch chủng ngừa cho bé trước 6 tháng tuổi để không bỏ mất cơ hội bảo vệ bé.
Tuy nhiên, gia đình cần lưu ý thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K phòng ngừa Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi đưa trẻ đi chủng ngừa và đặt lịch hẹn, gọi điện nhận tư vấn trước với trung tâm chủng ngừa.
Chương trình giáo dục cộng đồng do Hội y học dự phòng Việt Nam phối hợp với Văn phòng đại diện GSK thực hiện.