"Khi còn nhỏ tôi là một thần đồng. Tôi học thuộc quyển từ điển tiếng Trung năm 6 tuổi. Tôi và vợ đều tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, cả hai đều có chỉ số IQ cao chót vót. Nhưng con gái tôi lại không được như vậy, nó kém bố mẹ quá xa..."
Gần đây, một video ghi lại cảnh giáo sư Đinh Diên Trang ở Đại học (ĐH) Bắc Kinh than phiền về điểm số kém, đứng cuối lớp về thành tích học tập của con gái đang được chia sẻ rộng khắp trên các mạng xã hội nước này.
Để cải thiện tình hình, ông bố kèm con học mỗi ngày nhưng cô bé vẫn khó tiếp thu. Theo ông Đinh, hàng ngày sau khi đón con từ trường, ông đưa tới phòng làm việc để ép con học hoặc làm bài tập về nhà. "Thời gian đó, ngày nào mọi người ở tầng ba trong tòa nhà văn phòng đều có thể nghe thấy tiếng la mắng và tiếng hét từ tôi hoặc con gái", ông kể. Người bố cảm thấy bối rối khi nhận ra đây là "số phận" và bất lực vì không thể làm gì. Ông nói rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận. "Tôi có thể làm gì nếu không chấp nhận điều đó?..."
"Dù bạn có xuất chúng thế nào, con bạn cũng có thể chỉ là một người bình thường. Nhận thức được điều này sẽ rất hữu ích cho tất cả mọi người", ông Đinh tâm sự.
Vị giáo sư đánh giá 95% con gái ông không thể vào được ĐH Bắc Kinh trong tương lai. Ông cũng quyết định từ bỏ những biện pháp gây sức ép nhằm cải thiện tình hình học tập của con sau khi thấy rằng, mặc dù điểm số có cải thiện nhưng cô bé trở nên lo lắng và trầm cảm.
Rồi ông kể có lần đưa con đến văn phòng, nhìn thấy bố đặt một câu đối trên bàn làm việc bèn hỏi là chữ gì. "Quân tử báo biến" (Người khôn ngoan dễ thích nghi với hoàn cảnh thay đổi)- ông Đinh trả lời. Ngay lập tức cô bé cười ngặt nghẽo, đáp lại: "Gì mà báo biến, có mà quân tử ăn mì gói" (Từ "báo biến" với "mì gói" trong tiếng Trung đồng âm với nhau). Giáo sư Đinh ngớ người, khen con gái nhanh trí, rồi ông cười vang. Người bố nói rằng con gái là một người thú vị, tính khí này có thể bù đắp cho việc thiếu năng lực ở một mức độ đáng kể.
"Hãy để đứa trẻ thành một người thú vị. Trẻ sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn ở tương lai. Điều đó cũng mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh trẻ", ông Đinh nói.
Vị giáo sư cho hay tất cả "mỗi đứa trẻ là duy nhất" và bố mẹ không nên áp một chuẩn mực nào đó để đo lường chúng. "Các phụ huynh nên biết được những khả năng đặc biệt của con mình ở các lĩnh vực khác ngoài việc học. Bố mẹ nên tìm ra con đường phù hợp để phát triển và hỗ trợ chúng đúng cách", giáo sư Đinh khuyên.
Chuyên gia nuôi dạy con cái nổi tiếng Trung Quốc Lý Mai Cẩn cũng có một cô con gái có học lực tầm thường. Hồi trung học, thành tích môn Toán của cô bé rất kém, thường xuyên chỉ được 1 điểm. Dù rất chăm chỉ nhưng không thể cải thiện.
Nhiều người đặt câu hỏi cho Lý: "Con học không tốt thì cô lấy tư cách gì đi giáo dục con cái người khác?". Tuy nhiên Lý không coi đó là thất bại. Cô cho hay các trường đại học không phải là lối thoát duy nhất. "Tôi thà để con mình không vào đại học còn hơn để con bé đau khổ. Tôi muốn con được sống hạnh phúc".
Người mẹ này không ép con mình phải cố gắng trau dồi môn Toán. Thay vào đó, khuyến khích con khám phá những lợi thế khác của bản thân. Cô phát hiện con gái có năng khiếu về âm nhạc nên tập trung cho con theo học nghệ thuật. Sau đó, con gái Lý đỗ vào một học viện nghệ thuật, tốt nghiệp được giữ lại làm giảng viên của trường.
Albert Einstein từng nói: "Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn".
Là cha mẹ, không nên sử dụng một thước đo duy nhất cho sự thành công của trẻ. Hãy chấp nhận những thiếu sót để tìm ra con đường phù hợp nhất hỗ trợ trẻ. Bằng cách này, mọi đứa trẻ đều có thể trở thành một tài năng hữu ích.
"Ngay cả những nhà giáo dục tốt nhất, cũng không thể đào tạo ra những đứa trẻ xuất sắc như nhau. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau và là duy nhất", Lý Mai Cẩn nói. Chuyên gia giáo dục này nhắc lại câu nói rất hay từ tiền bối của bà: "Một nhà giáo dục tốt nên dùng 50 phương pháp để đào tạo một đứa trẻ thay vì dùng một phương pháp cho 50 đứa trẻ".
Bộ phim hoạt hình "Nhật ký chú thỏ hiền lành" của Trung Quốc từng được coi là câu chuyện đồng dao dành cho người lớn. Bộ phim kể về ngày đầu tiên nhận lớp, giáo viên chủ nhiệm đã hỏi những học sinh thỏ: "Nếu quả bóng rơi vào một lỗ sâu, làm thế nào để lấy nó ra?". Con thỏ thứ nhất giơ tay trả lời: "Dùng lưới vớt lên". Giáo viên nói học sinh đó nên suy nghĩ kỹ trước khi trả lời. Một chú thỏ khác đáp: "Đổ nước vào hố để quả bóng nổi". Cô giáo nở một nụ cười mãn nguyện bởi đó được coi là câu trả lời tiêu chuẩn.
Lúc này học sinh tên PipiLu hỏi cô giáo: "Hố sâu bao nhiêu thưa cô?"
"Rất sâu!"
"Thế em sẽ bảo bố mua cho quả bóng khác", PipiLu khẳng định.
Những con thỏ khác trong lớp cười phá lên, chỉ có cô giáo tức giận: "Em đang cố tình gây sự đúng không?". PipiLu vội vàng đáp: "Em không có. Nếu nó là một cái hố sâu, việc nhặt bóng ở độ tuổi của chúng em có an toàn không. Nếu tai nạn xảy ra thì sao?". Cô giáo càng giận dữ: "Ý em là cô đã sai? Giáo viên sai và em đúng? Giáo viên nói không chính xác?"
Thuần hóa bọn trẻ thành những con thỏ giống hệt nhau, đó là điều người lớn muốn thấy. Nếu con mình có điều gì đó khác biệt so với những đứa trẻ khác, người lớn sẽ tự hỏi liệu điều đó có ổn?
Giáo sư Đinh Diên Trang ở Đại học Bắc Kinh từng nói với con gái. "Trong cuộc đời con chỉ cần làm tốt hai điều. Đó là kết hôn với người đàn ông con yêu và làm những gì con muốn". Ông bố cũng nhấn mạnh: "Bố không cần con thành công, mà chỉ muốn con hạnh phúc".
Trong thời đại ngày nay, định nghĩa về thành công ngày càng đa dạng. Có những thiên tài toán học ngày nào cũng gặm bánh mỳ, nhưng họ được đắm chìm trong đam mê, đó là thành công. Có nữ sinh viên tốt nghiệp đại học danh tiếng nhưng lại chọn công việc bảo mẫu với mức lương cao, đó cũng là thành công. Hay những con người bình thường, dù mọi việc đều không nổi bật nhưng họ luôn sống tích cực và lạc quan, đó cũng là một thành công.
Cuộc đời thực sự là một bài học dài, không thể định nghĩa thành công của một người chỉ ở một khía cạnh nào đó. Những người học kém có thể họ không giỏi về kiến thức nhưng đôi khi họ lại xuất sắc ở một lĩnh vực khác. Ví dụ như họ có đôi tay sửa chữa lành nghề, họ có thể chơi thể thao giỏi, có khả năng ăn nói... Họ cũng là những người ít khi sợ nguy hiểm hay khó khăn trong cuộc sống bởi vì họ biết chấp nhận điều không hoàn hảo và đó là thứ khác biệt khiến nhiều người học không giỏi ở trường nhưng lại thành công và hạnh phúc khi vào đời.
Vy Trang (Theo sohu)