Giảng viên tâm lý Trương Huệ San (Trung Quốc) chia sẻ ba câu chuyện, thể hiện ba cách phản ứng khác nhau của phụ huynh khi biết con mình bị bạn đánh.
Vài ngày trước, tôi đi ăn nhà hàng với bạn. Có bà mẹ cùng con trai ngồi bàn bên cạnh, cậu bé tầm lớp 4, lớp 5. Cậu bé kể, hôm nay cậu bị bạn đánh. Bà mẹ lập tức cho rằng "con lại làm bạn đó khó chịu". Hai mẹ con tranh luận một lúc, trong khi cậu con liên tục khẳng định mình không làm gì bạn, bà mẹ vẫn giữ quan điểm "chắc là con lại gây sự gì". Cuối cùng người mẹ yêu cầu "con phải tự giải quyết mọi vấn đề của bản thân và nhìn nhận lại chính mình".
Câu chuyện thứ hai là về người bạn tên Diệp Tử của tôi. Cô ấy phát hiện con trai Ngưu Ngưu bị bắt nạt nhờ cô giáo đọc được lời hăm dọa của một học sinh trong lớp gửi cậu bé. Nguyên nhân là do Ngưu Ngưu không cho bạn chép bài kiểm tra, vì vậy bị đánh. Cậu mách cô giáo, người bạn tức giận hơn, tìm đánh nhiều lần. Ngưu Ngưu không có sức phản kháng nên âm thầm chịu đựng.
Diệp Tử nghĩ rằng, với vấn đề này tìm cha mẹ hay giáo viên nhờ trợ giúp là vô ích nên nhờ anh họ - một người to lớn lại có hàng đống hình xăm trên người. Mấy hôm sau, người anh đợi ở cổng trường cháu trai sau giờ tan học, tìm kẻ bắt nạt cảnh báo. Từ sau hôm đó, Ngưu Ngưu không bị đánh nữa.
Câu chuyện thứ bà là của một người mẹ đến phòng tư vấn tâm lý của tôi kể chuyện con trai mình. Năm lớp 5, cậu bé Đậu Đậu bị bắt nạt trong công viên, chỉ vì cười với bạn bè. Lúc đó một học sinh lớp lớn đi qua tưởng bị cười giễu cợt nên tát Đậu Đậu một cái. Cậu bé hoảng sợ về nhà khóc lóc khiến người mẹ đau khổ. Cô nói: "Chúng ta sẽ gọi cảnh sát".
Đậu Đậu nhìn mẹ, sợ hãi nói: "Đừng gọi cảnh sát, con có bị nặng lắm đâu". Người mẹ nói với con trai: "Không sao, chúng ta không gây chuyện, mẹ sẽ tìm công lý cho con. Bị đánh oan, con sẽ rất ấm ức. Con nhỏ không xử lý được, nên mẹ sẽ giúp con".
Tiếp lời người mẹ nói: "Rất may con đã nói chuyện này với mẹ. Nếu không sẽ còn ấm ức mãi. Cảm ơn con đã tin tưởng và nói với mẹ điều này".
Mẹ Đậu Đậu tất nhiên biết cách gọi cảnh sát và có thể không tìm ra được kẻ bắt nạt nhưng kết quả ra sao không quan trọng. "Quan trọng là thái độ của bố mẹ khi con bị bắt nạt", cô nói.
Thực sự, thái độ của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con khi chúng bị bắt nạt.
Thái độ 1: Không có lửa làm sao có khói
Tôi nhớ ngày hôm đó, khi cậu bé ngồi bàn bên cạnh bị mẹ phủ nhận lời buộc tội, ánh mắt bất lực của cậu khiến tôi đau nhói. Chuyện của cậu khiến tôi nhớ một cô bạn hàng xóm. Lúc nhỏ cô sống ở nhà bà ngoại và bị cậu bé cạnh nhà bắt nạt. Khi bố mẹ về quê, cô đã khóc và kể lại chuyện. Người bố nghe xong liền nói: "Không có lửa làm sao có khói". Sau đó, tần suất bắt nạt của cậu bé kia ngày càng nhiều. Không được trợ giúp, cô bạn không cầu cứu nữa mà chỉ biết nhẫn nhịn.
"Yêu cầu cha mẹ giúp đỡ khi đó giống như tôi bị tổn thương thêm lần nữa", cô nói. Nhiều năm sau, khi tìm đến bác sỹ tâm lý cô ấy đã khóc và nói rằng cảm giác tuyệt vọng vẫn còn đeo bám đến tận giờ. Cô luôn cảm thấy bản thân kém cỏi và không hòa nhập được vào tập thể.
"Mọi người nói rằng tôi thu mình nhưng thực ra là tôi đang bảo vệ chính mình. Trong sâu thẳm tôi cảm thấy mình không xứng đáng. Tôi liên tục phủ nhận bản thân và không dám bày tỏ cảm xúc thật của mình". Trong nhiều năm cô bạn còn gặp ác mộng về đêm.
Đối với trẻ em, khi yêu cầu sự giúp đỡ nhưng nhận lại sự buộc tội và từ chối, chúng thường chọn cách chịu đựng một mình. Và khi sự chịu đựng là thái độ thường xuyên, kẻ bắt nạt sẽ càng lộng hành. Tất cả những bất hạnh giống như cô bạn tôi đã chịu đựng lại trở thành điều hiển nhiên.
Thái độ thứ hai: Đánh trả giúp con
Tôi thấy nhiều đứa trẻ xung đột với bạn bè ở trường, phụ huynh thường khuyên con "Phải đánh trả". Nhưng có phải đứa trẻ nào cũng có khả năng chống trả lại?
Một người mẹ nói rằng con trai cô bị một đứa trẻ khác bắt nạt. Cô khuyên con đánh trả. Con cô nhút nhát và yếu ớt, vì vậy cô đã đến trường hỗ trợ, với mong muốn con đủ dũng cảm "trả thù" bạn trước mặt mẹ. Thế nhưng đứa trẻ vẫn đứng yên. Cô hỏi tôi lý do tại sao? Tôi trả lời: "Bởi vì con bạn không tự tin".
Nếu người mẹ luôn bên con khi xảy ra mọi cuộc xung đột, trẻ không bao giờ học được cách đối mặt với thử thách một cách độc lập. Trong cuộc sống, trẻ có thể gặp những va chạm, tranh chấp. Lúc này, nhiều cha mẹ đã "vội vàng" xử lý giúp con mà không chú ý đến việc hướng dẫn chúng cách tự vệ khi gặp những chuyện tương tự.
Bố mẹ sợ con mình bị đánh ấm ức, thiệt thòi, nhưng điều kiện tiên quyết để con không còn trải qua cảm giác đó là tạo niềm tin cho con. Để đánh trả lại, trước tiên phải có sức mạnh. Sức mạnh không chỉ nằm ở kích thước của nắm đấm, mà nằm ở sức mạnh bên trong.
Một người có trái tim mạnh mẽ cần có cảm giác an toàn đến từ những mối quan hệ gắn bó. Nếu mối quan hệ cha mẹ-con cái không tốt, đứa trẻ sẽ thiếu tự tin, chịu nhiều bất công, không dám lên tiếng bảo vệ bản thân. Không tự tin, trẻ sẽ không dám chống trả lại. Chỉ khi trẻ có đủ niềm tin vào sự an toàn và khả năng của bản thân thì việc phản kháng mới thực sự hiệu quả.
Thái độ 3: Tôi hiểu bạn, chúng ta ở bên nhau
Khi Đậu Đậu bị bắt nạt, thứ cậu nhận được là sự đồng cảm của mẹ, với thông điệp: "Mẹ chấp nhận sự bất lực và đau khổ hiện tại của con, đồng thời mẹ sẽ luôn ở bên con".
Khi đứa trẻ được thấu hiểu, chúng sẽ bình tĩnh lại và cơn đau từ từ tan biến. Cơ hội thực sự để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn chính là sự kết nối của các mối quan hệ. Con đã bị đánh rồi, mẹ chấp nhận nhược điểm này, sẽ không bắt con trở nên mạnh mẽ lập tức mà sẽ nuôi dưỡng con bằng tình yêu. Sự chấp nhận này có thể xây dựng cho trẻ cảm giác an toàn và giúp chúng trở nên quyết tâm hơn.
Vậy cha mẹ sẽ làm gì khi con cái bị bắt nạt?
Trước hết, phải phân biệt được đâu là xung đột và đâu là bắt nạt?
Nếu chỉ là xung đột sẽ không gây tổn thương tâm lý cho trẻ, trẻ có thể tự học cách giải quyết. Tất cả những gì bố mẹ cần là lắng nghe và thấu hiểu.
Nếu con bị bắt nạt, bố mẹ có thể làm điều này:
1. Lắng nghe trẻ;
2. Giúp trẻ hiểu cảm xúc của mình;
3. Hướng dẫn trẻ phản ứng lại sự việc;
4. Hãy xem liệu phản ứng có hiệu quả không.
Nếu phương pháp trên không hiệu quả, nên:
1. Chấp nhận tình cảm và cảm xúc của đứa trẻ;
2. Đã đến lúc hành động và giúp trẻ giải quyết vấn đề.
Hãy thuyết phục con rằng, con không thể "tay không bắt giặc" mà phải có những "vũ khí lợi hại". Có thể bằng ngôn ngữ sắc bén để cảnh cáo người bắt nạt; hoặc ra dáng hùng dũng, oai vệ để đối thủ phải "đắn đo" khi muốn xông vào. Có thể cho trẻ tham gia học võ thuật để biết kiểm soát, làm chủ bản thân và biết ra tay đúng lúc để tự vệ chính đáng.
Nhưng dù hình thức nào đi nữa cũng phải cố gắng không gây thù hằn và thương tích cho đối thủ. Đó cũng là cách giúp trẻ biết tự vệ, biết giải quyết xung đột một cách hợp lý và hiệu quả nhất.
Hành trình cuộc đời còn dài, cảm giác an toàn mà chúng ta để lại cho con cái giống như một ngọn hải đăng. Dù một ngày trẻ chìm trong bóng tối, nhưng cảm giác này sẽ soi sáng con đường dài phía trước.
Vy Trang (Theo sohu)