"Mẹ cháu rất ủng hộ vaccine, nhưng bố cháu thì chống. Bố liên tục bảo cháu đừng tiêm", Shuli nói. Mẹ của cậu, bà Elisheva là người có toàn quyền giám hộ, đã cho cậu bé được quyền lựa chọn, Suli đã tiêm trước khi trường học mở cửa.
"Trường của cháu có quy định không thể chơi thể thao, hoạt động ngoại khóa nếu chưa tiêm. Trường có phòng tư vấn vaccine và nhân viên y tế sẽ nói chuyện nếu có một học sinh nào đó sợ", cậu nói.
Nhưng kể từ khi bỏ qua lời khuyên của bố, Shuli nhận được sự lạnh lùng. Bất chấp sự chia rẽ trong gia đình, Shuli cho rằng tiêm phòng là lựa chọn đúng đắn. "Cháu được sống trong xã hội và tương tác với mọi người, được đi xem phim, ăn hàng, cũng như giữ an toàn cho người khác", cậu nói.
Đối với các cặp đã ly hôn, vấn đề tiêm chủng của con đang tạo ra cuộc chiến. Khi FDA cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi vào tháng 5, một làn sóng mới về các vấn đề pháp lý đã nổi lên. Các cặp vợ chồng trước đây có quyền nuôi con chung đã bị chia rẽ khi con tiêm, đến mức đẩy nhau ra tòa để giành quyền quyết định y tế duy nhất với con.
Luật sư hôn nhân và gia đình Carly Krasner Leizerson ở NYC cho biết, các gia đình có quyền giám hộ hợp pháp chung có nghĩa là cùng đưa ra quyết định đối với các vấn đề quan trọng của con cái, bao gồm cả các quyết định về y tế.
Tiêm chủng cho trẻ vị thành niên là một "vấn đề gây chia rẽ" và sắp tới sẽ có nhiều vấn đề pháp lý nảy sinh hơn.
Một người phụ nữ 40 tuổi ở Upper East Side đã "chết lặng" khi chồng cũ tiêm vaccine cho con trai vừa tròn 12 tuổi mà không có sự đồng ý của cô. Bản thân cô đã tiêm đủ số mũi, nhưng lo lắng về tác dụng phụ.
Luật sư Krasner Leizerson hiện đại diện cho một thân chủ muốn con gái 14 tuổi được tiêm, trong khi vợ cũ anh ta cực lực phản đối. Trước khi nảy sinh bất đồng, cặp đôi ly hôn 4 năm trước, dù chia tay vẫn cùng nhau dự các ngày sinh nhật và ngày nghỉ. "Gia đình này ly hôn vì bất đồng nuôi dạy con cái. Và bây giờ họ đẩy nhau ra tòa về vấn đề này", nữ luật sư nói.
Bác sĩ nhi khoa của đứa trẻ và điều phối viên nuôi dạy con cái đã đề nghị cho đứa trẻ đi tiêm. Về cơ bản người cha yêu cầu tòa án trao cho anh quyền tiêm chủng của con và quyền quyết định duy nhất với vấn đề y tế của con sau này, vì thái độ không hợp tác của vợ cũ.
Mặc dù các trường công lập ở New York không bắt buộc học sinh tiêm vaccine nhưng các trường tư thường yêu cầu. Họ có các quy định dành cho trẻ không tiêm và điều này có thể làm hỏng hoặc phá vỡ trải nghiệm học đường của trẻ.
Krasner Leizerson nói, chưa biết có những ảnh hưởng nào từ vaccine đến trẻ em sau này, nhưng trước mắt việc không tiêm gây ra tác động xã hội nghiêm trọng với con gái thân chủ của cô. "Con bé là thành viên duy nhất trong lớp chưa được tiêm. Trường tư của bé cấm học sinh chưa tiêm tham gia các đội thể thao, câu lạc bộ và đi thực tế qua đêm", Krasner nói.
Những người chưa được tiêm phải đeo một loại khẩu trang khác và ăn trưa tách biệt. "Đứa trẻ như sống ngoài lề xã hội. Con rất muốn tham gia vào các hội nhóm và các hoạt động ở trường, lớp", luật sư nói.
Amanda Uhry, người sáng lập Công ty Cố vấn Trường Tư thục Manhattan, nhấn mạnh rằng điều kỳ quặc khi nói đến tiêm chủng là hành vi chia rẽ xã hội. "Bạn sẽ không muốn trở thành đứa trẻ không được tiêm ở trường tư thục. Có những quán bar, bữa tiệc, những ngày cuối tuần sôi động ở ở Hamptons, những bậc phụ huynh không muốn có mặt những đứa trẻ chưa được tiêm".
Bà mẹ Elisheva nói rằng ngoài những lợi ích về sức khỏe, một trong những lý do khiến chị vui mừng khi Shuli quyết định đi tiêm là cậu bé có thể yên tâm tham gia các hoạt động cùng bạn bè.
Sau hơn một năm chịu đựng những tổn thương tinh thần do đại dịch gây ra, theo người mẹ "việc đặt đứa trẻ vào tình huống một lần nữa bị cô lập khỏi bạn bè và các hoạt động xã hội là điều thật điên rồ".
Bảo Nhiên (Theo Nypost)