Một ngày hè ở New York năm 1945, "Bố già" Don Vito Corleone (Marlon Brando) đón nhận nhiều niềm vui trong đời. Ông tổ chức đám cưới cho con gái độc nhất thì cậu con út Michael (Al Pacino) cũng trở về nhà sau Thế chiến thứ hai. Giữa bữa tiệc, Michael không ngừng kể cho bạn gái Kay Adams (Diane Keaton) về những tội ác của bố - trùm mafia, hứa rằng mình không như ông. Chẳng bao lâu, Don Vito bị kẻ thù ám sát giữa đường, may mắn không chết nhưng đẩy gia đình rơi vào trận chiến với các băng nhóm khác. Lúc này, Michael không còn cách nào khác phải cùng anh cả Sonny (James Caan) thay cha gánh vác trọng trách.
Phát hành năm 1972, Bố già chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Mario Puzo, xoay quanh những vụ ẩu đả, tranh giành quyền lực của các băng đảng tội phạm. Đạo diễn Francis Ford Coppola - khi ấy 29 tuổi - cho người xem bước hẳn vào cuộc sống của những tên trùm mafia, đại diện là nhà Corleone.
Tác phẩm thay đổi quan niệm của khán giả về phim tội phạm, đặc biệt là dòng gangster. Trước đó, cụm từ "mafia" còn xa lạ với Hollywood. Chủ đề tội phạm thường chỉ xoay quanh những vụ án mạng, cuộc điều tra của thám tử, kết thúc bằng việc cái ác được đưa ra ánh sáng. Từ năm 1930 tới 1968, Will Hays - cố chủ tịch MPAA (Hiệp hội điện ảnh Mỹ) - áp dụng luật Hays, yêu cầu phim ảnh không được lột tả chi tiết các hành vi phạm tội như giết người, trộm, cướp... Đạo diễn không được kể chuyện tội phạm với góc nhìn tạo sự đồng cảm hoặc truyền cảm hứng để khán giả bắt chước.
Bố già - ngược lại - được xây dựng bằng những màn đấu đá của thế giới ngầm, đậm tính bạo lực. Nhiều cảnh quay ở mức R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi) như khi một nhân vật thức dậy, thấy mình nằm cạnh chiếc đầu ngựa, giường đẫm máu tươi. Kẻ khác trở thành bia ngắm bắn cho cả băng nhóm, cơ thể đầy vết đạn. Chuyện phim nối dài bằng những vụ xả súng hàng loạt, ôtô nổ tung trên đường, các nhân vật kết liễu kẻ thù bằng đủ mọi thủ đoạn như siết cổ, bắn lén, ám sát...
Không dừng ở xây dựng thế giới tội phạm, Coppola và tác giả tiểu thuyết gốc Puzo cùng nhào nặn nên một tác phẩm khiến người xem người phải suy ngẫm bản chất của thiện - ác. Những tay giang hồ không hẳn xấu, cảnh sát chưa chắc tốt hoàn toàn. Don Vito gây ấn tượng bằng sự từng trải, từng lời thốt ra đều có sức nặng như đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm trong giới giang hồ. Michael từ một thanh niên hiền lành, vì vòng xoáy số phận mà dần biến chất.
Phim còn lồng ghép thông điệp về giá trị gia đình, nguyên tắc sống. Suốt hành trình lãnh đạo băng tội phạm, Vito Corleono không bao giờ ngừng nghĩ về vợ con. Ông luôn phân biệt rõ chuyện nhà và chuyện làm ăn, dạy các con những bài học về đạo làm người. Trong một cảnh, Vito hỏi con cả Sonny có dành thời gian cho gia đình không. Cảnh khác, ông giận dữ nhắc nhở anh không được nói suy nghĩ cho ai khác ngoài người nhà. Đó cũng là một trong những lý do Michael thay đổi quan điểm, dần nhìn nhận lại về cha và sau đó trở thành một phiên bản khác của ông.
Nhiều phân đoạn trong phim trở thành kinh điển. Chẳng hạn hình ảnh Don Vito nghe đàn em báo tin bằng cách thì thầm vào tai, hay khi Michael ngồi gác hai tay trên ghế gợi nhớ cha ruột lúc còn trẻ. Những lời Don Vito thốt ra đầy sức nặng: "Ta sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn không thể chối từ", "Đàn ông không dành thời gian cho gia đình thì không bao giờ là đàn ông thực sự", "Ông nói về việc trả thù à? Trả thù có làm con các người trở lại hay không?"...
Ngay khi ra đời, Bố già gây chấn động cả giới phê bình lẫn khán giả, thu về 243 triệu USD so với kinh phí sáu triệu USD. Tác giả Vincent Canny của New York Times nhận định tác phẩm phản ánh những góc khuất đen tối trong cuộc sống Mỹ chưa từng có trên phim ảnh. Cây viết Pauline Kael của tờ New Yorker nhận xét phim là ví dụ tuyệt vời về cách kết hợp giữa thương mại và nghệ thuật. Nhà phê bình Roger Ebert đánh giá lối kể chuyện "từ bên trong" là bí mật và sự quyến rũ của phim. Tại Oscar 1973, phim thắng ba trên tổng 11 đề cử, bao gồm "Phim xuất sắc", "Kịch bản chuyển thể xuất sắc" và "Nam chính xuất sắc" cho Marlon Brando.
Thành công tạo điều kiện cho Francis Ford Coppola thực hiện hai phần tiếp theo, tạo nên bộ ba (trilogy) kinh điển: The Godfather 2 (1974) và The Godfather 3 (1990). Sau loạt phim, nhiều diễn viên trở thành biểu tượng của Hollywood lẫn điện ảnh thế giới. Marlon Brando và Al Pacino có những vai diễn để đời, Pacino nhận hai đề cử Oscar cho hai phần đầu. Robert De Niro thắng tượng vàng đầu tiên khi hóa thân Vito Corleone thời trẻ trong phần hai. Diane Keaton, Sofia Coppola đóng vai phụ nhưng sau đó đều nổi tiếng.
Tháng 4/2017, ê-kíp hội ngộ nhân kỷ niệm 45 năm ra mắt phim tại Liên hoan phim Tribeca. Đạo diễn Coppola thừa nhận từng thất vọng về tiểu thuyết của Puzo khi mới đọc vì quá dài. Ông đấu tranh với hãng để Al Pacino đóng Michael Corleone, còn anh phải vượt qua sáu lần thử vai. Marlon Brando cũng bị các nhà sản xuất lắc đầu vì cho rằng không mang về "lợi nhuận thương mại". Chủ tịch hãng Paramount cấm Coppola nhắc đến tên Brando, nhưng ông giả vờ ngã lăn xuống sàn để tìm cách thương lượng cho ngôi sao tham gia dự án. Coppola nói: "Làm sao tôi có thể đạo diễn nếu không được nói về người tôi chọn?".
Diễn viên Al Pacino nói: "Đó là một kịch bản tuyệt vời... Lúc đó chúng tôi còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm, thực sự không biết làm phim là gì". Diane Keaton xem lại tác phẩm sau 30 năm không đụng đến vì cho rằng nhân vật của mình lạc lõng trong phim, nhưng nhận ra có những cảnh bà phối hợp ăn ý với Pacino.
Nhiều diễn viên như Antonio Banderas, David Duchovny hay cầu thủ bóng rổ Lebron James đều chọn Bố già là tác phẩm yêu thích. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama thường bày tỏ tình cảm dành cho phim trong các bài phát biểu, phỏng vấn. Năm 2008, khi vận động tranh cử với tư cách thượng nghị sĩ bang Illinois, Obama trả lời phỏng vấn Katie Couric rằng ông yêu hai phần đầu. Cảnh ông thích nhất là mở màn, Marlon Brando xuất hiện trong tạo hình Don Vito, nói chuyện với một kẻ đến nhờ vả trong đám cưới. Theo cựu tổng thống Mỹ, phân đoạn tạo không khí cho cả bộ phim.
Tác phẩm trở thành nguồn cảm hứng cho các phim tội phạm ra đời sau này như Goodfellas, series The Sopranos, Breaking Bad, Better Call Saul... Tháng 3/2016, Vince Gilligan - nhà sáng tạo Breaking Bad - khen ngợi tác phẩm trên tạp chí Slate, cho rằng mình có thể xem đi xem lại mỗi đêm đến suốt đời.
Bố già đạt 98% điểm tươi ở cả hai mục "Giới phê bình" và "Khán giả" trên Rotten Tomatoes. Tác phẩm xếp đầu bảng "10 phim gangster hay nhất", đứng nhì danh sách "100 phim hay nhất" do Viện Phim Mỹ (AFI) lập. Trên IMDb, phim xếp thứ hai trong danh sách 250 phim có điểm số cao nhất tính đến hiện tại, với 1,7 triệu lượt bình chọn.
Sơn Phước