Đây là điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo, lần thứ 5, dự kiến được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tới (khai mạc hôm 21/10).
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 12/10 cho biết do đây là nội dung mới nên cần thận trọng.
"Ban soạn thảo không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này nhưng sẽ tiếp tục nghiên cứu", ông Đức nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo từ năm 2022. Trong dự thảo ban đầu, yêu cầu chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là nội dung quan trọng. Chứng chỉ này được cấp cho những nhà giáo đang công tác, có giá trị sử dụng trong toàn quốc và ở những nước có hợp tác. Còn những giáo viên được tuyển dụng sau khi Luật có hiệu lực, những người không trong biên chế..., kể cả đã tốt nghiệp trường sư phạm, vẫn cần vượt qua sát hạch.
Ông Vũ Minh Đức cho biết qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và một số ngành/lĩnh vực, ban soạn thảo cho rằng chứng chỉ này sẽ có tác động tích cực, giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo.
Ông nói chứng chỉ giúp phân biệt những người đủ tư cách dạy học với giáo viên "tự xưng" trên mạng. Khi có chứng chỉ, dù dạy học ở đâu, thầy cô cũng không cần tập sự lại; giảm được thủ tục khi chuyển công tác hay đi thỉnh giảng, dạy liên trường...
Đến cuối tháng 7, ban soạn thảo sửa tên "chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo" thành "giấy phép hành nghề dạy học".
Tuy nhiên, nhiều Bộ, ngành, địa phương đề nghị ban soạn thảo cân nhắc vì cho rằng việc này có thể gây tốn kém, khó khăn trong tuyển dụng, tạo ra giấy phép con...
Hiện, chuẩn nghề nghiệp với giáo viên được quy định trong Luật Giáo dục năm 2019. Giáo viên, giảng viên tùy theo năm công tác, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của Bộ sẽ được phân hạng, từ hạng I đến III. Đây là cơ sở để xếp lương nhà giáo trong các trường công lập.
Những giáo viên, giảng viên trường tư khi chuyển sang công lập phải thi tuyển viên chức, học và thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cùng một số quy định khác.