Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự án Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo. So với các dự thảo đã công bố, cơ quan soạn thảo đổi tên "chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo" thành "giấy phép hành nghề dạy học".
Dự thảo nêu đây là điều kiện để tuyển dụng; tạo điều kiện cho nhà giáo mở rộng cơ hội hoạt động nghề nghiệp và hợp tác quốc tế. Việc này cũng nhằm bảo đảm chất lượng nhà giáo thỉnh giảng hoặc người dạy học tự do, đồng thời là căn cứ để đánh giá, điều chỉnh các chương trình đào tạo sư phạm.
Người được cấp giấy phép phải đạt trình độ chuẩn của nhà giáo; hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thực hành nghề tại các cơ sở giáo dục. Hồi tháng 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến 1,6 triệu thầy cô đang trong biên chế sẽ được cấp chứng chỉ. Còn những giáo viên được tuyển dụng sau khi Luật có hiệu lực, những người không trong biên chế..., kể cả đã tốt nghiệp trường sư phạm, vẫn cần vượt qua sát hạch.
Giấy phép có thời hạn 10 năm, được gia hạn theo quy định. Đây là điểm mới so với dự thảo cũ.
Góp ý, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc cấp giấy phép cho 1,6 triệu nhà giáo hiện nay là "rất khó khăn". Ban soạn thảo nên cân nhắc, bổ sung điều khoản "đã tốt nghiệp ở trường sư phạm thì chắc chắn được cấp chứng chỉ hành nghề", chỉ sát hạch với những người không tốt nghiệp từ các trường sư phạm.
Tương tự, Bộ Nội vụ đề nghị cân nhắc sự cần thiết, tính khả thi và đánh giá tác động cụ thể về quy định cấp chứng chỉ hành nghề với nhà giáo.
Trong khi đó, các bộ Công Thương, Xây dựng, Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng không nên có giấy phép này bởi "phức tạp, không cần thiết", phát sinh thêm thủ tục tục hành chính với nhà giáo và cơ quan quản lý. Các bộ cũng lo ngại loại giấy phép mới gây tốn kém, khó khăn trong tuyển dụng, nguy cơ tạo ra giấy phép con, khó thu hút, trọng dụng nhân tài.
Một số địa phương đồng tình, cho rằng sinh viên ra trường có bằng sư phạm, khi được tuyển dụng cần giấy khám sức khỏe là đủ điều kiện hành nghề.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận nếu cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên, Nhà nước phải chi ngân sách cho việc xây dựng, điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc này không phát sinh chi phí với nhà giáo, đảm bảo tư cách nghề nghiệp của đội ngũ, giúp tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng. Đồng thời, nhà giáo có thêm cơ hội hoạt động trong thị trường lao động, tạo thêm thu nhập cho bản thân.
Dự án Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10.
Hiện, chuẩn nghề nghiệp với giáo viên được quy định trong Luật Giáo dục năm 2019 và các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở mỗi bậc học, giáo viên, giảng viên tùy theo năm công tác, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của Bộ sẽ được phân hạng, từ hạng I đến hạng III. Đây là cơ sở để xếp lương trong các trường công lập.
Những giáo viên, giảng viên trường tư khi chuyển sang công lập phải thi tuyển viên chức, học và thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cùng một số quy định khác.