Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 17/5 giới thiệu Dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ cho biết đã lấy ý kiến của gần 550.000 giáo viên; tổ chức hơn 100 cuộc họp, hội thảo để xin ý kiến. Trong đó, quy định về chứng chỉ hành nghề được quan tâm.
Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, qua nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế và một số ngành/lĩnh vực, ban soạn thảo cho rằng chứng chỉ này sẽ có tác động tích cực, giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo.
"Chứng chỉ giúp phân biệt những người đủ tư cách dạy học, nhất là khi nhiều người tự xưng là nhà giáo trên mạng xã hội nhưng vốn không đủ tiêu chuẩn", ông Đức nói.
Theo ông, chứng chỉ hành nghề nhà giáo có giá trị trong toàn quốc. Dù dạy học ở đâu, thầy cô cũng không cần tập sự lại; giảm được thủ tục khi chuyển công tác hay đi thỉnh giảng, dạy liên trường...
Để không gây xáo trộn, 1,6 triệu thầy cô đang trong biên chế sẽ được cấp chứng chỉ mà không cần qua sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp để ghi nhận sự cống hiến hoặc tiếp tục giảng dạy.
Các thầy cô được tuyển dụng sau khi Luật có hiệu lực, những người không trong biên chế ngành, chỉ dạy online nếu có nhu cầu cần vượt qua sát hạch để có chứng chỉ.
Dự thảo Luật quy định các Bộ và cơ quan ngang Bộ cấp chứng chỉ cho giảng viên đại học, cao đẳng. Sở Giáo dục và Đào tạo cấp cho giáo viên mầm non, phổ thông; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp cho giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung cấp.
Các đơn vị này cũng sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề nếu giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tục, bị buộc thôi việc hoặc sa thải hay hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ không đúng quy định.
Ngoài ra, dự thảo Luật Nhà giáo nêu rõ tiền lương của giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Việc tuyển dụng được giao cho ngành giáo dục, thay vì chính quyền địa phương và ngành nội vụ như hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà giáo đến giữa tháng 7.