Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng trọng điểm ngày 17/7, ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) dẫn con số, 47/62 dự án công suất lớn trên 200 MW (theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh) chậm tiến độ. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu điện từ năm 2020 khi phụ tải tăng cao, nước về kém, thiếu hụt điện than, khí...
Lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỷ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 10 tỷ kWh vào 2022. Căng thẳng nhất là năm 2023, mức thiếu hụt khoảng 15 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ và 3,5 tỷ kWh vào các năm 2024-2025.
Việc để các dự án chậm tiến độ, ông Kim nói, trách nhiệm chính thuộc về các chủ đầu tư nhưng lại chưa có chế tài xử lý, quy trách nhiệm. "Qua sơ bộ cho thấy trách nhiệm các tập đoàn rất lớn và hầu như chỉ có EVN là đảm bảo tiến độ còn PVN, TKV thì chưa. Đã có nhiều chỉ đạo nhưng vẫn chưa có cơ chế, chế tài, gây nên những khó khăn triển khai" , ông Kim cho hay.
Để giải quyết một phần tình trạng thiếu điện, Bộ Công Thương tính toán sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Với nguồn điện nhập khẩu từ Lào, theo thỏa thuận đã ký giữa hai Chính phủ, công suất mua tới năm 2020 khoảng 1.000 MW, tăng lên 3.000 MW vào năm 2025 và khoảng 5.000 MW đến 2030.
Lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc cũng dự kiến tăng từ năm 2021 với mức giá cạnh tranh hơn so với khung giá mua điện từ Lào, và thấp hơn giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than (trên 7 cent một kWh).
"Tiết kiệm điện nhiều lắm cũng chỉ 5-8%, nên bù nguồn điện hiện thời chỉ có mua thêm từ Lào, Trung Quốc", ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương chia sẻ, song nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp ứng phó trước mắt, còn lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn trong nước.
Về khó khăn khiến các dự án chậm tiến độ 2-3 năm so với quy hoạch, Thứ trưởng Công Thương nói, chủ yếu do quan điểm chỉ đạo thực hiện các dự án đã khác so với thời kỳ trước. Mặt khác còn có các thủ tục liên quan tới đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ chế vốn vay cho dự án...
Theo ông, việc bỏ cơ chế bảo lãnh Chính phủ với các dự án điện cũng là nguyên do khiến các dự án gặp khó trong huy động vốn. "Một dự án năng lượng trước đây nếu có cơ chế bảo lãnh Chính phủ chỉ cần 1 năm là thu xếp được thì khi bỏ cơ chế này thời gian tăng lên 2-3 năm, mà cũng chưa chắc có tiền vì vay thương mại lãi suất cao, nên đương nhiên dự án bị chậm", ông Vượng nêu.
Ngoài ra, công tác quy hoạch liên quan Luật Quy hoạch ảnh hưởng đáng kể đến việc lập, thẩm định, bổ sung các công trình điện, gây kéo dài triển khai xây dựng các dự án điện. Hiện có gần 400 dự án đang vướng mắc trong điều chỉnh bổ sung quy hoạch, trong đó có nhiều dự án đã được báo cáo các cấp như dự án Tây Bắc, cụm khí Bạc Liêu, Cà Ná, Long Sơn ... song vẫn chưa có phản hồi.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương nhìn nhận xử lý vướng mắc ở nhiều dự án trọng điểm cho thấy sự lúng túng, né trách nhiệm. Ông dẫn chứng như việc xử lý với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đã có nhiều cuộc họp, liên tiếp ba tháng trời chỉ công văn đi công văn lại, mỗi quy trình phát đi và đợi trả lời mất gần 1 tháng, thậm chí vẫn chưa có ý kiến.
"Phải xác định rõ vai trò của các tập đoàn khi triển khai, xử lý dự án vẫn rất chậm. Cũng cần xét lại trách nhiệm các chủ đầu tư dự án điện BOT vì có tình trạng một số cố tình kéo dài để bán dự án", ông Tuấn Anh nói.
Về lâu dài, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương đề nghị phải có cơ chế đặc thù cho các dự án năng lượng trọng điểm. "Buộc phải có cơ chế đặc thù cho các dự án hạ tầng, dự án năng lượng trọng điểm", ông Vượng lưu ý.
Ông Tuấn Anh yêu cầu Cục Điện lực và năng lượng tái tạo sớm nghiên cứu và đưa ra đề xuất về cơ chế đặc thù với các dự án năng lượng trọng điểm, báo cáo Bộ và trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Anh Minh