Ngày 15/7, Thường trực Chính phủ đã họp bàn các giải pháp đảm bảo cung ứng điện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là yêu cầu Bộ Công Thương, ngành điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để xảy ra tình trạng thiếu điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm chủ lực trong việc bảo đảm điện. Các Tập đoàn Công nghiệp Than, khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí (PVN) cần tham gia tích cực đầu tư các công trình nguồn điện; huy động nguồn lực xã hội hoá để đầu tư phát triển nguồn điện.
Ông cũng cho rằng, nhiều chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã kết luận, có thông báo chi tiết nhưng việc triển khai nhiều dự án nguồn điện, nhất là dự án có quy mô lớn (dự kiến hoàn thành năm 2023) lại chậm tiến độ. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2022-2023, thậm chí ngay từ năm 2021. Nhiều việc, các bộ, ngành, đơn vị triển khai còn chậm, thiếu phối hợp, lúng túng, né tránh trách nhiệm.
"Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không để xảy ra như thời gian qua", Thủ tướng nói và yêu cầu trong vấn đề bảo đảm điện phải quy trách nhiệm cụ thể; không thể chung chung.
Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu xem xét cơ chế cho vay vượt hạn mức tín dụng với dự án nguồn điện. Các tập đoàn EVN, TKV tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án điện. Thường trực Chính phủ đồng ý xem xét cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách. Các cơ quan liên quan sớm trình Chính phủ xem xét dự thảo. Trường hợp TKV không cung cấp đủ than thì các nhà máy điện có thể được nhập khẩu than để bảo đảm phát điện.
Đề cập các dự án nguồn điện cụ thể, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm trình phương án xử lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo, trình Chính phủ Quy hoạch Điện VIII; báo cáo vấn đề liên quan dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Giữa tháng 6, trong một báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.
Cơ quan này cho hay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam gần như không còn dự phòng, trong khi đó nhiều dự án theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đều chậm tiến độ dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần.
Tiến độ các dự án năng lượng chậm hơn so với kế hoạch là nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao hơn so với tính toán trước đây. Cụ thể, các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều bị chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm.
Bộ Công Thương tính toán, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu nhưng hệ thống điện nhiều khả năng không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021). Con số này tăng lên gần 10 tỷ kWh vào 2022; 12 tỷ kWh vào 2023...
Anh Minh