Tại diễn đàn Năng lượng Việt Nam ngày 9/8, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nguy cơ thiếu điện sau năm 2020 với Việt Nam là hiện hữu. Nguy cơ này có thể càng cao nếu tăng trưởng phụ tải điện cao hơn dự báo, các nguồn cấp khí (Khí Lô B, Cá Voi Xanh...) chậm tiến độ, lượng về các hồ thuỷ điện kém hơn trung bình nhiều năm...
"Nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021-2023 là có thực và nếu tăng trưởng phụ tải các năm tới cao hơn dự báo thì tình trạng còn nguy cấp hơn", ông Hoàng Quốc Vượng nói.
Lo lắng này cũng nhận được chia sẻ từ đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Báo cáo của EVN cho thấy, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đến cuối năm 2018 gần 47.800 MW, tăng 5,4 lần so với năm 2003.
Tốc độ tăng trưởng điện giai đoạn 2016 - 2020 là 10,3-11,3% một năm và sau 2020 khoảng 8% một năm. Tập đoàn này dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, năm 2020 ngành điện phải đảm bảo sản xuất 278 tỷ kWh và gấp đôi vào năm 2030.
Nhu cầu điện tiêu dùng trong nước không ngừng tăng, song theo ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc EVN, tập đoàn này nhìn chung cung ứng đủ điện. Bắt đầu từ năm 2019, sẽ phải huy động nhiều hơn nguồn nhiệt điện chạy dầu giá cao, tương ứng 4,4 tỷ kWh và năm 2020 là 5,2 tỷ kWh.
Tuy vậy, trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu vào năm 2020. Chưa kể tại khu vực miền Nam, mỗi dự án nhiệt điện than 1.200 MW bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại đây tăng thêm 7,2-7,5 tỷ kWh một năm.
Để đủ điện cho nhu cầu sử dụng trong nước, ngoài kiểm soát cầu phụ tải như sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, cũng cần đảm bảo nguồn cung điện thông qua đẩy nhanh thực hiện, hoàn thành các dự án nguồn khu vực phía Nam như Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1... sau 3 năm nữa.
Mặt khác, cần tính toán tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc theo phương án cách ly lưới điện và đẩy nhanh nhập khẩu điện từ Lào. Song song đó phát triển các dự án điện mặt trời, ưu tiên các dự án gần trung tâm phụ tải, thuận tiện đấu nối.
Cảnh báo nguy cơ thiếu điện sau 3-5 năm tới, các chuyên gia tham dự diễn đàn cũng cho rằng, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong bối cảnh tài nguyên hóa thạch dần cạn kiệt. Hầu hết các quốc gia đều đang chịu áp lực về nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế.
Đơn cử, năm 2017 sản xuất và mua điện khoảng 199 tỷ kWh. Trong đó, năng lượng tái tạo chiếm 44,2% còn 54,6% từ nhiên liệu hóa thạch (khí, than, dầu) và nhập khẩu 1,2%.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, khi dừng các dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận thì quy hoạch điện VII đã có khoảng trống và cần phải có giải pháp để thay thế.
Trước bài toán về nguồn cung năng lượng, ông nhấn mạnh, Việt Nam cần tự chủ được công nghệ về nguồn năng lượng tái tạo, nhất là nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió. "Nhiều nước nhỏ hơn còn xuất khẩu công nghệ và vươn ra thế giới, nên các nhà khoa học cần tập trung làm chủ công nghệ tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước", ông kiến nghị.
Về điểm này, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhà chức trách đang có kế hoạch khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nhằm bù đắp nguồn thiếu hụt nguồn cung điện năng trong tương lai. "Đẩy nhanh phát triển điện mặt trời trên gác mái cũng là một trong số giải pháp giảm nguy cơ thiếu điện", ông Vượng bày tỏ.
Anh Minh