Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá điện thay thế Quyết định 28/2014 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, đối tượng khách hàng cơ sở lưu trú du lịch (gồm khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch...) được chuyển sang áp giá điện kinh doanh sang giá sản xuất.
Dự thảo cũng điều chỉnh tăng giá của nhóm khách hàng sản xuất. Cụ thể tăng giá giờ thấp điểm khoảng 5%, để bù đắp khoản doanh thu thiếu hụt của ngành điện, cũng như đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi.
Quy định hiện nay, cơ sở lưu trú du lịch được áp giá điện kinh doanh với khung giá 1.256 - 4.061 đồng một kWh tuỳ khung giờ thấp điểm hay cao điểm và tuỳ cấp điện áp. Chuyển sang áp giá sản xuất các cơ sở kinh doanh khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà nghỉ... sẽ được lợi về giá điện, giảm khoảng 37% so với giá kinh doanh trước đây. Tác động tích cực của đề xuất này là nhằm giúp phát triển ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, theo tính toán việc chuyển đổi này khiến ngành điện giảm thu hơn 1.800 tỷ đồng (năm 2016) và khoảng 2.630 tỷ (tương ứng sản lượng điện thương phẩm dự kiến năm 2018).
Gửi góp ý với cơ quan soạn thảo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị tăng giá điện sản xuất để bù khoản hụt thu trên, song trước mắt giữ nguyên giá điện giờ bình thường và cao điểm, chỉ tăng giá điện giờ thấp điểm.
Phản hồi đề xuất này, Bộ Công Thương cho biết, dự thảo quyết định cơ cấu biểu giá điện đã điều chỉnh tăng giá sản xuất. Cơ quan này giải thích thêm, việc cho phép cơ sở lưu trú du lịch được hưởng giá điện sản xuất sẽ làm giảm giá bán lẻ điện bình quân thực hiện so với mức được phê duyệt.
Mặt khác, giá bán điện giờ thấp điểm thấp hơn nhiều giá bán lẻ điện bình quân, 52-56%, nên có thể tăng giá giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất để bù đắp khoản hụt thu này. Do đó, để bù đắp khoản hụt thu này thì cần thiết phải điều chỉnh tăng giá của nhóm khách hàng sản xuất, và chỉ tăng giá ở khung giờ thấp điểm thêm khoảng 5%.
"Việc điều chỉnh được thực hiện theo nguyên tắc kế thừa Quyết định 28/2014 và không làm thay đổi quá lớn trong cơ cấu nhóm khách hàng sử dụng điện, cũng như trong cơ cấu biểu giá", Bộ Công Thương nêu ý kiến.
Đồng tình việc chuyển nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch từ kinh doanh sang sản xuất, song các bộ, ngành, hiệp hội cho rằng, việc tăng giá điện sản xuất để bù cho khách sạn, nhà nghỉ... cần cân nhắc kỹ và có đánh giá tác động đầy đủ.
Nêu quan điểm, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá chi tiết việc điều chỉnh tăng tỷ lệ giá bán điện giờ thấp điểm so với mức giá bán lẻ điện bình quân, nhằm đảm bảo nguyên tắc khuyến khích sử dụng điện giờ thấp điểm, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm nhằm tránh quá tải, thiếu điện giờ thấp điểm...
Trong khi đó đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa lo ngại, việc điều chỉnh tăng giá điện, nhất là giá điện cho sản xuất trong giai đoạn hiện nay sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp. "Việc tăng giá điện sản xuất sẽ kéo theo hiệu ứng, làm tăng giá các mặt hàng, ảnh hưởng tới mục tiêu kìm giữ lạm phát", đại diện Hiệp hội nêu quan điểm.
Góp ý, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị Bộ Công Thương đánh giá rõ, cụ thể hơn các kịch bản tác động chi phí của việc chuyển nhóm các cơ sở lưu trú du lịch từ nhóm sử dụng điện kinh donah sang sản xuất. "Quyết định chuyển hay không nhóm khách hàng này sang sử dụng điện sản xuất nên dựa trên phân tích chi phí và lợi ích. Liệu lợi ích của việc giảm giá điện với ngành khách sạn có lớn hơn các chi phí với ngành điện, nền kinh tế phải gánh chịu hay không?”, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đặt câu hỏi.
Anh Minh