Theo báo cáo gửi Quốc hội, từ đầu Quốc hội khoá XIV đến nay, Bộ Công Thương đã xử lý dứt điểm 13 nội dung về bỏ, cắt giảm một số điều kiện kinh doanh; rà soát chính sách liên quan tới quảng bá và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa; xử lý sự cố hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2...
Bộ này đã bỏ 675 trong tổng số 1216 điều kiện thuộc các lĩnh vực, ngành nghề và đề xuất tiếp tục đơn giản hoá, cắt giảm, chuyển hậu kiểm 202 trong 561 điều kiện còn lại (khoảng 36%).
Như vậy, cùng với đợt tiết giảm điều kiện kinh doanh giai đoạn trước, Bộ Công Thương dự kiến đơn giản hoá và bỏ hơn 72% giấy phép con trong lĩnh vực quản lý. Các lĩnh vực sẽ tập trung đơn giản hoá gồm an toàn thực phẩm, điện, thuốc lá, hoá chất, sản xuất - nhập khẩu, bảo hành bảo dưỡng ôtô...
Tại cuộc họp Tổ công tác Chính phủ với các bộ, ngành diễn ra tuần trước nhằm đôn đốc việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá, các bộ đã đẩy mạnh giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chồng chéo cơ bản đã giảm. "Trước đây có những mặt hàng 4 bộ kiểm tra, 2-3 cơ quan quản lý nhưng nay mỗi mặt hàng chỉ giao một bộ, một đơn vị của bộ quản, tình trạng chồng chéo không còn", ông Dũng ghi nhận.
Bộ trưởng Dũng yêu cầu các bộ báo cáo công khai tiến độ thực hiện nhiệm vụ, “bao giờ làm được, cắt hay không cắt, tại sao không giảm, vướng chỗ nào”. Ông cũng lưu ý các bộ, ngành trong quá trình rà soát việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiên quyết không để "mọc" thêm giấy phép con sau rà soát, cũng như cài cắm trong các Nghị định, văn bản mới ban hành.
Cũng theo báo cáo trên vẫn còn 13 nội dung Bộ Công Thương chưa hoàn thành, do liên quan tới kiến nghị sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định... nên cần thêm thời gian. Ngoài ra, cũng có kiến nghị Bộ đã hoàn thiện và đang trong quá trình trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bên cạnh đó, hai kiến nghị "mang tính dài hạn, thường xuyên" vẫn tiếp tục xử lý, gồm việc xử lý 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương và tình trạng vi phạm hàng giả, hàng nhái do mức xử phạt không đủ răn đe. Bộ Công Thương dự kiến cùng các bộ, ngành xây dựng các Nghị định sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính hiện nay.
Thuỳ Dương