Tại cuộc họp ngày 16/10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ, đánh giá, các bộ đã đẩy mạnh giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chồng chéo cơ bản đã giảm.
"Trước đây có những mặt hàng 4 bộ kiểm tra, 2-3 cơ quan quản lý nhưng nay mỗi mặt hàng chỉ giao 1 bộ, 1 đơn vị của bộ quản, tình trạng chồng chéo không còn", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận.
Việc công nhận kết quả kiểm tra lẫn nhau của các bộ, xã hội hoá hoạt động kiểm tra với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân... được đẩy mạnh. "Đây là tiến bộ lớn, tránh trường hợp doanh nghiệp phải từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam chỉ để làm thủ tục kiểm tra", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhìn nhận.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn mặt hàng để kiểm tra cũng được ban hành, phân cấp, công bố rất rõ, “tránh tình trạng kiểm tra không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, tức là kiểm tra mò, suy diễn, không minh bạch”.
Mặt khác, hầu hết danh mục hàng hoá được ban hành gắn với mã HS và nhiều bộ tích cực điện tử hoá thủ tục kiểm tra, đẩy mạnh tham gia cơ chế một cửa. Hiện số tờ khai hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành giảm gần một nửa, còn hơn 19% so với cách đây 2 năm.
Tuy nhiên, trong khi nhiều Bộ tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, vẫn còn đơn vị tỷ lệ cắt giảm thấp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế. Theo ông, nhiều cơ quan chưa áp dụng quản lý rủi ro; tần suất kiểm tra còn cao trong khi tỷ lệ kiểm tra phát hiện ra vi phạm rất thấp (0,06%), tức là không khác gì năm 2017, không có tiến bộ.
“Chúng ta đã giao ước với nhau rằng, mặt hàng ba lần liên tiếp trong 12 tháng đạt yêu cầu, đơn vị tuân thủ tất cả các điều kiện thì lần thứ 4 miễn kiểm tra. Chúng ta nói như thế, nhưng khi hàng hóa xuất nhập khẩu về vẫn kiểm tra”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, hàng hóa không thông quan được, chậm thông quan là do thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thêm vào đó, tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra còn lớn, vẫn chiếm tới 19,4% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu; việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn chậm, 3 bộ chưa cải cách mạnh mẽ nội dung này.
Trong cơ chế một cửa, một cửa ASEAN mới có 53/283 thủ tục được kết nối, tỷ lệ rất thấp, “chưa nói đến việc đã kết nối rồi nhưng khi làm thủ tục lại tắc, nghẽn, do công nghệ một phần nhưng cũng có thể do con người nữa”, ông Dũng lưu ý.
Báo cáo của Tổ công tác Chính phủ cho thấy trong gần 6.200 điều kiện kinh doanh, các Bộ mới cắt được gần 15% và giảm được 17% dòng hàng. Như vậy, còn 2.277 điều kiện cần tiếp tục cắt giảm và so với mốc thời gian Thủ tướng giao phải hoàn thành (15/8/2018) thì đã quá 2 tháng 2 ngày. Ví dụ Bộ Thông tin và Truyền thông chậm là do không thực hiện một nghị định sửa nhiều nghị định theo thủ tục rút gọn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu các bộ báo cáo công khai tiến độ thực hiện nhiệm vụ, “bao giờ làm được, cắt hay không cắt, tại sao không giảm, vướng chỗ nào”.
Nhận xét về con số trên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, doanh nghiệp thực tế chưa được hưởng lợi nhiều từ những cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh vừa qua. Ông Cung phân tích, trong số 50% điều kiện kinh doanh nói cắt bỏ nhưng chỉ gỡ hoàn toàn 10%, 40% còn lại đơn giản hoá thủ tục, nên có độ trễ và "phụ thuộc vào thái độ làm việc của cấp dưới".
"Doanh nghiệp kỳ vọng vào cải cách của Chính phủ nhưng vẫn có "nghi ngờ không biết có làm thật hay không, hay các bộ, ngành chạy theo bệnh thành tích, tuyên bố cắt giảm mà thực chất chưa thay đổi".
Lo lắng của Viện trưởng CIEM, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là hợp lý, khi thực tế tỷ lệ cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành ở một số bộ vẫn thấp.
Tại cuộc họp, Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ một lần nữa nhắc lại tinh thần chỉ đạo “rất nghiêm” của Thủ tướng và nhấn mạnh, “những nỗ lực cắt giảm hành chính, điều kiện kinh doanh của các bộ đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Nhưng việc làm này cần tiếp tục và thực hiện rốt ráo hơn.
Anh Minh