Trong văn bản gửi Thủ tướng hôm nay (27/4), Bộ Công Thương đề xuất dừng cơ chế điều hành theo hạn ngạch, thay vào đó cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ 1/5. Đề xuất này được bộ đưa ra trong bối cảnh cung - cầu gạo trong nước ổn định, mục đích giãn tiến độ xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia khi khó khăn đã đạt được.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, lượng gạo vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn, gồm cả lượng "gối đầu" từ năm trước chuyển qua. Vụ Hè thu sắp tới, sản lượng ước đạt 11 triệu tấn thóc, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long 8,7 triệu tấn, nên số gạo có thể xuất khẩu 2,3-2,4 triệu tấn.
Với sản lượng này, 1,3 triệu tấn có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6. Bộ Công Thương cho rằng, nếu tháng 5 xuất khẩu 700.000 tấn thì còn tồn ít nhất 600.000 tấn gạo vào nửa đầu tháng 6, trước khi được bổ sung nguồn cung từ thu hoạch vụ Hè thu. "Đây là điểm khác biệt cơ bản về cung - cầu gạo so với cuối tháng 3", Bộ Công Thương nhận xét.
Tuy nhiên, để duy trì đảm bảo an ninh lương thực trong "trạng thái bình thường mới", Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ cho xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) và xử nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.
Đồng thời, cơ quan này cho biết sẽ đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tuân thủ quy định Nghị định 107, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% lượng gạo đã xuất khẩu 6 tháng trước; cam kết cung cấp ngay cho trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu. 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất một hệ thống siêu thị để bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Trường hợp thương nhân không duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết đã ký, Bộ này sẽ thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tổng cục Hải quan hôm nay cho biết vừa huỷ các tờ khai xuất khẩu 53.300 tấn gạo đăng ký hôm 12/4 (một ngày sau khi được nối lại xuất khẩu gạo) do quá 15 ngày không xuất trình được hàng hoá để kiểm tra.
Tính đến 19h hôm nay – sau 15 ngày doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu, gần 233.500 tấn đã được thông quan, tương đương 58% hạn ngạch tháng 4. Từ 0h ngày mai (28/4), doanh nghiệp có thể tiếp tục đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo với hạn ngạch 53.321 trên hệ thống của hải quan.
Cách đây một tháng, tại cuộc họp về an ninh lương thực, Bộ Công Thương đề xuất dừng xuất khẩu gạo tới hết tháng 5 do lo ngại tình hình Covid-19, hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long phức tạp. Đề nghị này sau đó được Thủ tướng chấp thuận và từ 0h ngày 24/3, hải quan dừng thông quan.
Nhưng một ngày sau đó Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại. Ngày 10/4, Thủ tướng cho xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn tháng 4. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu lúc 0 giờ ngày chủ nhật (12/4) mà không báo trước khiến nhiều doanh nghiệp khác dù có lượng gạo lớn nhưng bị lưu tại cảng do cấm xuất khẩu.
Thanh tra Chính phủ đang thanh tra việc xuất khẩu gạo theo yêu cầu của Thủ tướng. Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn nhưng không đánh giá kỹ tác động trong điều hành mặt hàng này.
Anh Minh - Anh Tú