Năm ngoái, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên 2.092,78 đồng một kWh, sau khi được nhà chức trách điều chỉnh hai lần vào tháng 5 và 11.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá đầu tuần này, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay, để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Gần nhất, giá điện tăng 4,5% vào tháng 11/2023, với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào tháng 5 năm nay.
Đề xuất tăng giá điện được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn, lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng năm ngoái dù được điều chỉnh giá bán hai lần. Tính chung 2022-2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, trong đó số lỗ sau kiểm toán hợp nhất 2022 gần 20.750 tỷ đồng. Khoản này chưa gồm chênh lệch tỷ giá treo từ các năm trước, khoảng 14.000 tỷ đồng.
Dự báo có thêm đợt điều chỉnh giá điện năm nay cũng được nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra trong một báo cáo gần đây. Theo VCBS, hiện tượng El Nino xuất hiện nửa cuối 2023 và kéo dài tới nửa đầu năm nay là nguyên nhân khiến nước về các hồ thủy điện thấp, nhất là tại miền Bắc. Theo đó, điện than, khí giá thành cao buộc phải được tăng huy động, trong khi năng lượng tái tạo và nhập khẩu hạn chế. Việc này khiến tài chính của EVN tiếp tục khó khăn.
Nhóm nghiên cứu của VCBS kỳ vọng áp lực tăng giá điện sẽ giảm khi chu kỳ La Nina (ngược với El Nino) quay trở lại vào 2025, giúp giá nguyên vật liệu đầu vào (than, khí) giảm nhiệt về mức tương đương 2020-2021.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc tăng giá điện là cần thiết để bù đắp lỗ, nhưng EVN cần công khai, minh bạch trong giá mua, bán điện, kết quả kinh doanh để không ảnh hưởng tới tâm lý người dân. "Nếu thấy giá điện chỉ tăng không giảm, người dân sẽ đặt câu hỏi. Đó là vấn đề phải truyền thông để người dân hiểu", ông góp ý.
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định điện là mặt hàng năng lượng quan trọng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, nên biến động về giá mặt hàng này sẽ tác động tới lạm phát.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nói "cần hết sức thận trọng" khi tăng giá điện trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư, phục hồi kinh tế. Giá năng lượng tăng sẽ làm chi phí điện năng, vận chuyển và giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm... điều chỉnh theo.
Chưa kể, theo PGS. TS. Phan Thế Công (Đại học Thương mại), áp lực tăng chi phí sản xuất, giá bán hàng hóa hiện vẫn chịu ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh giá điện năm ngoái. Bên cạnh đó, ông cho rằng nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao do thời tiết cực đoan, đẩy chỉ số giá điện sinh hoạt tăng và tạo áp lực khá lớn cho lạm phát. Vì thế, các cơ quan quản lý cần tính toán liều lượng, thời điểm điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp và người dân.
Để tránh bị động, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương chuẩn bị sớm phương án và thời điểm điều chỉnh cần tính toán phù hợp với diễn biến, thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Về lâu dài, giới chuyên gia cho rằng, giá điện cần tiến tới được điều hành theo cơ chế thị trường, tăng - giảm theo biến động các thông số, chi phí đầu vào. "Giá điện khi đó có tăng, có giảm. Người dân sẽ thấy biến động cũng bình thường, mỗi lần điều chỉnh sẽ không gây xáo trộn lớn", ông Định Trọng Thịnh lưu ý.