Tàu Đô đốc Essen phóng tên lửa Kalibr nhằm vào IS
Quân đội Nga hiện sở hữu những mẫu tên lửa có sát thương cao và tầm bắn lớn dành cho hải quân, lục quân và không quân. Hầu hết trong số này đều thể hiện sức mạnh trong chiến dịch tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, theo RBTH.
Tổ hợp Kalibr cho hải quân
Năm 2015, quân đội Nga gây chấn động thế giới khi phóng đồng loạt 26 tên lửa Kalibr vào những vị trí do phiến quân IS kiểm soát, đánh dấu lần thực chiến đầu tiên của loại tên lửa hành trình này. Các quả đạn xuất phát từ tàu chiến trên biển Caspi, bay qua không phận Iran và Iraq, trước khi đánh trúng nhiều mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria ở khoảng cách 1.500 km.
Trong chiến dịch quân sự tại Syria, hải quân Nga chỉ sử dụng phiên bản tấn công mặt đất của tổ hợp Kalibr mang định danh 3M14, được trang bị hệ thống định vị toàn cầu GLONASS và dẫn đường quán tính, cùng đầu dò radar ARGS-14E có tầm hoạt động 20 km để bám bắt các mục tiêu có độ phản xạ radar lớn.
Tên lửa sử dụng hệ thống đo độ cao và khớp ảnh địa hình, cho phép nó bay bám sát địa hình để giảm thiểu khả năng bị phát hiện, khiến đối phương có ít thời gian phản ứng hơn. Mẫu 3M14 nội địa của Nga có tầm bắn 2.000 đến 2.500 km, trong khi phiên bản xuất khẩu chỉ có tầm bắn tối đa 300 km theo quy định của Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR).
Bên cạnh biến thể 3M14, tổ hợp Kalibr còn các mẫu tên lửa khác, gồm 3M54 có nhiệm vụ chống hạm và 91RE1/RE2 chống tàu ngầm. Chủng loại tên lửa đa dạng giúp các chỉ huy linh hoạt trong việc lựa chọn cấu hình vũ khí để hoàn thành nhiệm vụ tác chiến được giao.
Tên lửa diệt hạm 3M-54 có tầm bắn tối đa 660 km. Nó bay ở tốc độ cận âm hơn 1.100 km/h trong gần như toàn bộ hành trình tới mục tiêu, ở độ cao 10-15 m so với mặt biển để tránh bị radar đối phương phát hiện. Dữ liệu mục tiêu được nạp từ trước khi phóng, thông qua hệ thống trinh sát của tàu ngầm hoặc đường truyền dữ liệu (datalink) từ các tàu chiến và máy bay khác.
Khi cách mục tiêu khoảng 60 km, đầu dò radar chủ động được kích hoạt để tên lửa tự tìm kiếm mục tiêu. Đầu đạn sẽ tách khỏi phần thân chính của tên lửa, sau đó động cơ nhiên liệu rắn sẽ đẩy quả đạn tới mục tiêu với tốc độ 3.600 km/h. Ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu, tên lửa bay chỉ cách mặt nước khoảng 5 m và liên tục thay đổi quỹ đạo, khiến việc đánh chặn trở nên cực kỳ khó khăn.
91RE1 và 91RE2 là tên lửa mang đầu đạn ngư lôi có điều khiển, tương tự mẫu RPK-2 Vyuga hay Metel của Nga và ASROC của Mỹ. Tên lửa được phóng tới vị trí nghi có tàu ngầm đối phương, sau đó tách đầu đạn để ngư lôi tự tìm kiếm mục tiêu. Mẫu tên lửa này có tầm bắn 50 km, bị giới hạn về khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương bằng hệ thống định vị thủy âm (sonar).
Tên lửa có thể được phóng từ bệ phóng thẳng đứng trên tàu chiến (Kalibr-NK) hoặc ống phóng lôi cỡ 533 mm (Kalibr-PL). Ở hệ thống Kalibr-PL, quả đạn nằm trong vỏ bọc và được động cơ phụ đẩy lên khỏi mặt nước, sau đó vỏ bảo vệ được tách rời và động cơ đẩy bắt đầu kích hoạt, tên lửa bắt đầu quá trình bay tới mục tiêu.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M cho lục quân
Hệ thống Iskander-M chưa từng tham chiến tại Syria, tuy nhiên một số nguồn tin cho rằng quân đội Nga vẫn triển khai ít nhất một hệ thống tại quốc gia này. Kể từ khi xuất hiện vào năm 1996, tổ hợp tên lửa đạn đạo 9K720 Iskander (NATO định danh: SS-N-26 Stone) luôn được đánh giá là một trong những vũ khí chiến thuật hiện đại và nguy hiểm nhất thế giới. Phiên bản Iskander-M đi vào biên chế lục quân Nga từ năm 2006, tới nay đã có ít nhất 112 tổ hợp được Moscow triển khai.
Tên lửa Iskander-M khai hỏa trong tập trận
Điểm nổi bật của tổ hợp Iskander là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Mỗi quả đạn có tốc độ tối đa 9.350 km/h cùng khả năng liên tục thay đổi đường bay và tung mồi bẫy, nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực đánh chặn của đối phương.
Mỗi xe vận chuyển kiêm bệ phóng (TEL) có thể mang hai quả đạn với khả năng lựa chọn mục tiêu độc lập, tăng gấp đôi hỏa lực so với những tổ hợp cũ hơn như Tochka-U hay Oka. Phiên bản Iskander-M còn được trang bị đầu dò quang - điện tử cùng liên kết dữ liệu với máy bay không người lái (UAV) hoặc cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS), cho phép tên lửa đánh trúng cả mục tiêu di động với sai số chỉ hai mét.
Iskander được trang bị nhiều loại đầu đạn thông thường, gồm đạn nổ mảnh, đạn chùm, nhiệt áp, xuyên phá hầm ngầm và xung điện từ (EMP). Loại tên lửa này cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tổ hợp Iskander-M có tầm bắn 400 km, độ cao bay tối đa 50 km.
Tên lửa hành trình Kh-101 cho không quân chiến lược
Kh-101 là vũ khí chủ đạo của không quân chiến lược Nga trong chiến dịch chống IS tại Syria, trang bị cho các oanh tạc cơ Tu-95 và Tu-160. Phiên bản Tu-95MS có thể mang theo 8 quả, trong khi biến thể Tu-95MS16 và MSM được gắn thêm 8 giá treo gắn ngoài, cho phép chúng sử dụng tới 16 tên lửa Kh-101. Hai cụm bệ phóng xoay trên oanh tạc cơ Tu-160 có thể gắn tối đa 16 quả tên lửa loại này.
Mẫu Kh-101 cơ bản có tầm bắn khoảng 4.500 km, trong khi một số chuyên gia quân sự ước tính nó có thể bay tới 10.000 km trong điều kiện thích hợp. Tên lửa được nạp sẵn bản đồ điện tử để bay bám địa hình, cũng như hệ thống dẫn đường quán tính và định vị toàn cầu GLONASS để hiệu chỉnh đường bay.
Oanh tạc cơ Tu-160 phóng tên lửa Kh-101 từ cụm bệ phóng xoay.
Điều này cho phép Kh-101 đánh trúng mục tiêu cố định với độ chính xác 6-10 m. Nếu được lắp đầu dò quang - điện tử và ảnh nhiệt, nó có thể tấn công cả những mục tiêu cơ động như xe ôtô. Bên cạnh đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã cung cấp khả năng tái lập trình mục tiêu cho Kh-101 trong khi bay, giúp phi công cập nhật mục tiêu mới ngay cả khi quả đạn đã phóng đi.
Tên lửa được trang bị một động cơ phản lực TRDD-50A, đạt tốc độ hành trình 700 km/h, sau đó lao tới mục tiêu với tốc độ tối đa 970 km/h. Diện tích phản xạ radar chỉ 0,01 m2 cùng độ cao hành trình chỉ 30-70 m khiến Kh-101 rất khó bị phát hiện bởi những hệ thống cảnh giới mặt đất.
Mỗi quả đạn được trang bị đầu đạn nặng 400 kg, bao gồm các loại nổ mạnh (HE), xuyên phá hoặc nổ chùm, trong khi biến thể Kh-102 sử dụng đầu đạn hạt nhân có sức công phá 250 kt, tương đương 17 quả bom hạt nhân ném xuống thành phố Hiroshima.
Giới quân sự khẳng định Kh-101 là bước phát triển quan trọng của Nga, giúp họ sở hữu vũ khí tiến công tầm xa đầy uy lực và tăng sự linh hoạt trước thay đổi trên chiến trường. Khả năng tái xác định mục tiêu của Kh-101 trong khi bay cũng khiến Mỹ mất thế độc quyền trong sở hữu vũ khí tầm xa có độ chính xác cao.
Tử Quỳnh