Tổ hợp S-400 diễn tập bắn đạn thật
Hồi đầu tháng 10, đài truyền hình quốc gia Arab Saudi cho biết nước này đã đạt thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga. Đây được coi là đòn giáng mạnh vào nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ và các đồng minh châu Âu, sau việc Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Bahrain cũng đàm phán mua hệ thống tên lửa này, theo National Interest.
Việc hàng loạt quốc gia Trung Đông tìm mua S-400 có thể khiến loại tên lửa này trở thành yếu tố "thay đổi cuộc chơi" trong khu vực. Điểm mạnh của tổ hợp này là khả năng sử dụng nhiều loại tên lửa đánh chặn khác nhau, gồm mẫu 40N6E với tầm bắn tới 400 km, 48N6E3 trong tầm 250 km, 9M96E2 và 9M96E với tầm bắn lần lượt là 120 và 40 km. Trong khi đó, hệ thống Patriot PAC-3 của Mỹ chỉ hỗ trợ một loại đạn có khả năng đánh chặn mục tiêu trong phạm vi 95 km.
Chuyên gia hàng không Carlo Kopp cho biết S-400 được trang bị radar nhìn vòng có khả năng phát hiện tiêm kích tàng hình hiện đại như F-22 và F-35 của Mỹ. Chúng hoạt động trên nhiều dải sóng khác nhau, bao gồm cả băng tần VHF và L, trong khi máy bay Mỹ chỉ được tối ưu cho việc tàng hình trước radar băng tần X, vốn được sử dụng trong hệ thống điều khiển hỏa lực cho tên lửa phòng không.
Các hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ đều phát triển trên nền tảng radar sử dụng băng tần X, có thể trở nên vô dụng khi đối mặt với máy bay tàng hình hiện đại của Mỹ, Nga hoặc Trung Quốc. Đây có thể là một trong những lý do khiến các nước Trung Đông tìm mua hệ thống S-400, nhằm chuẩn bị cho kịch bản đối đầu với những tiêm kích tàng hình có khả năng bay bám địa hình như F-35 của Israel.
Ngoài khả năng đối phó với máy bay tàng hình, S-400 còn có thể đe dọa những mục tiêu có giá trị cao như máy bay cảnh báo sớm (AWACS) và phi cơ tiếp dầu trên không. Chúng thường hoạt động ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương, nhưng sự xuất hiện của S-400 với tầm bắn 400 km có thể buộc các máy bay này rời xa chiến trường và mất hiệu quả tác chiến.
S-400 cũng có khả năng chống tên lửa đạn đạo, tính năng thu hút được sự quan tâm của Arab Saudi. Quyết định mua S-400 của Arab Saudi dường như có liên quan tới việc Ai Cập mua tổ hợp phòng thủ tên lửa đạn đạo S-300VM và đang để mắt tới S-400.
Theo giới phân tích quân sự, sự xuất hiện của S-400 tại hàng loạt quốc gia Trung Đông sẽ là yếu tố thay đổi đáng kể bản đồ địa chính trị trong khu vực. Những nước đồng minh của Mỹ khó có thể tự tin với các máy bay tàng hình và tên lửa hành trình, khi láng giềng của họ được trang bị lá chắn S-400 Triumf, buộc các quốc gia phải xây dựng chiến lược quốc phòng và ngoại giao mới, chuyên gia phân tích Stephen Bryen đánh giá.
Việt Hòa