Tại hội thảo về vai trò của blockchain trong xây dựng thành phố thông minh do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức sáng 18/8, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết ưu thế và triết lý tồn tại của blockchain là giải được bài toán về thông tin trên dữ liệu lớn với tính xác thực, từ đó tiết giảm nhiều chi phí về thời gian, công sức, tiền bạc... Ví dụ, trong lĩnh vực công chứng giấy tờ, với cách làm truyền thống, người dân và cán bộ nhà nước rất mệt mỏi, đặc biệt là ở thành phố lớn hay những khu vực dân đông, có nhu cầu làm thủ tục hành chính nhiều. Phía người đi công chứng tốn thời gian đi lại, chờ đợi, trong khi cán bộ phải bỏ công sức kiểm tra, xác thực nhiều bước...
Theo ông Trung, những vấn đề trên ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, nên blockchain - được coi là một trong những công nghệ của tương lai - sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển, quản lý thành phố, giải quyết vấn đề xã hội.
"Nếu ứng dụng blockchain, người dân có thể công chứng online để thay vì lên xuống cơ quan nhà nước, họ có thể làm việc khác tạo ra của cải", ông nói. Khi đó, blockchain với dữ liệu được xác thực, cán bộ tiếp nhận hồ sơ chỉ cần một đoạn mã truy xuất thông tin kiểm chứng các giấy tờ. Họ có thể tự ra quyết định việc công chứng, không cần trình cấp khác, giảm tối đa thời gian xử lý.
Cũng với khả năng xác thực thông tin, blockchain có thể ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục với việc truy vấn, phát hiện bằng giả. Theo TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC, blockchain được ứng dụng và triển khai để xác thực bằng đại học trực tuyến tại Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội hơn một năm qua. Trước đây, mỗi tháng nhà trường nhận hơn 1.200 yêu cầu từ doanh nghiệp gửi đến nhờ xác thực bằng cấp. Trong khi đó, trường chỉ có hai nhân viên giáo vụ thực hiện truy vấn thông tin thủ công, mất nhiều công sức, thời gian.
Với blockchain, nhóm chuyên gia đã xây dựng hệ thống kiểm tra văn bằng trên website. Các dữ liệu về văn bằng tốt nghiệp của sinh viên được số hóa và xác thực bằng chữ ký số cung cấp bởi Ban Cơ yếu Chính phủ. "Trước đây dữ liệu blockchain không được xác thực bằng chữ ký số nên chưa có tính pháp lý. Với thay đổi này, chúng tôi đã giải quyết vấn đề về pháp lý giúp dữ liệu có tính minh bạch", ông Tuấn nói. Khi có blockchain, nhân viên chỉ cần vào website nhập mã sinh viên, số hiệu bằng là có thể truy xuất nhanh chóng
Không chỉ cải cách hành chính, giáo dục, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, blockchain có thể ứng dụng trong lĩnh vực y tế với việc lưu trữ hồ sơ sức khỏe bệnh nhân, truy vết nguồn bệnh truyền nhiễm. Công nghệ này khi kết hợp với AI có thể chẩn đoán bệnh thông qua công cụ đeo IoT trên người. Dữ liệu được chia sẻ với chuyên gia y tế một cách bảo mật, mở ra triển vọng điều trị bệnh nhân từ xa. Trong lĩnh vực môi trường, rác thải có thể ứng dụng blockchain giúp duy trì môi trường sạch đẹp bằng cách quản lý rác thời gian thực, minh bạch hóa quá trình tái chế rác thải.
Tuy nhiên, số lượng đăng ký sáng chế liên quan đến blockchain trong nước còn thấp. Theo cơ sở dữ liệu sáng chế WIPO Publish, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tính đến tháng 7/2022, có 125 tài liệu sáng chế về công nghệ blockchain được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Trong đó, chỉ 7 tài liệu sáng chế mà chủ đơn là cá nhân, tổ chức trong nước, còn lại của nước ngoài. Mỹ chiếm tỷ lệ nhiều nhất, 59%. Các tài liệu sáng chế đề cập đến hệ thống thanh toán và giao dịch (35%), xác thực thông tin (21%), bảo mật dữ liệu (9%)...
Trên thế giới, sáng chế đầu tiên về blockchain công bố năm 1976 thuộc về hãng IBM liên quan đến xác thực tin nhắn và phát hiện lỗi truyền tin bằng chuỗi khối. Đến nay có hơn 36.000 công bố sáng chế về blockchain của 12 quốc gia. Trung Quốc là quốc gia có nhiều nhất với gần 29.000 sáng chế.
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Quyền giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê - Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, nguyên nhân khiến blockchain chưa phát triển trong nước do nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa nhìn nhận tiềm năng của ngành này nên chưa có những tiếp cận thông tin bài bản để đầu tư và phát triển. "Với mô hình đô thị thông minh của TP HCM, việc phát triển blockchain là cần thiết để giải quyết vấn đề kinh tế xã hội. Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học cần có những kết nối mang tính chiến lược để ngành này phát triển mạnh hơn trong thời gian tới", ông Tuấn nói.
Hà An