Trong phiên thảo luận tại CTO Summit 2022, do VnExpress tổ chức ngày 17/6 với chủ đề Định vị blockchain Việt, bà Lynn Hoàng, Giám đốc Binance khu vực Đông Nam Á, cho rằng nhiều người vẫn nhìn blockchain là công nghệ cao siêu, vì vậy đã đến lúc nên đặt vấn đề "bình dân hóa blockchain".
Phản hồi về điều này, ông Trần Dinh, nhà sáng lập kiêm CEO AlphaTrue, Ủy viên BCH Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng ở một góc độ nào đó, đúng là blockchain vẫn là vấn đề cao siêu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các bảng thống kê về tỷ lệ sở hữu NFT, chỉ số chấp nhận tiền mã hóa, Việt Nam luôn nằm trong top đầu của thế giới.
"Thời gian qua mọi người hay bàn về giá trị thật của những trào lưu như meme coin, nhưng tôi nghĩ chính những đồng tiền mã hóa này giúp việc phổ cập blockchain trở nên đơn giản hơn. Không gì hấp dẫn bằng việc tìm hiểu công nghệ mới thông qua một trào lưu vui vẻ lại có thể đem về lợi nhuận. Đó là mặt tích cực của meme coin trong việc đưa blockchain đến với mọi người", ông Dinh nói.
Khi được đặt câu hỏi về việc làm sao để đưa blockchain vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lê Minh Tuấn, đồng sáng lập và Chủ tịch SotaTek, cho rằng không có rào cản với các doanh nghiệp nhỏ khi đưa blockchain vào hệ thống vận hành, kinh doanh ngoài việc chi phí và ứng dụng chưa nhiều. Ông cũng gợi ý các công ty nhỏ có thể tham gia mạng lưới blockchain để tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, ông Trần Dinh cho rằng không nên nhìn blockchain là chìa khóa vàng có thể giải quyết mọi vấn đề của doanh nghiệp. "Trước khi đặt câu hỏi làm sao để ứng dụng blockchain vào tổ chức, chúng ta nên đặt câu hỏi tại sao phải cần blockchain? Và blockchain có thật sự mang lại giá trị khi áp dụng vào hoạt động vận hành không", ông nói.
Theo các chuyên gia, ở quy mô thử nghiệm, các doanh nghiệp có thể bắt đầu ứng dụng blockchain từ những vấn đề rất nhỏ như điểm thưởng, quà tặng cho nhân viên và có thể dùng mã nguồn mở để tiết kiệm tối đa chi phí, thay vì phải xây dựng một hệ thống mới, phức tạp và mang nhiều rủi ro.
Cũng trong CTO Summit, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng để hiểu đúng giá trị blockchain, cần thoát ra khỏi định nghĩa blockchain gắn với tiền điện tử.
Trên thực tế, các lý thuyết blockchain đã có trước Bitcoin nhiều năm. Nhưng chỉ đến khi Bitcoin ra đời, tính hiện hữu của công nghệ này mới được nhắc đến. "Trước đây, blockchain được biết đến nhiều nhất với vai trò quan trọng trong các hệ thống tiền điện tử, chẳng hạn Bitcoin, để duy trì hồ sơ giao dịch an toàn và phi tập trung. Ngày nay, sự đổi mới với blockchain là đảm bảo tính trung thực và bảo mật của bản ghi dữ liệu và tạo ra sự tin cậy mà không cần đến bên thứ ba đáng tin cậy. Do đó, giá trị của blockchain đã vượt xa ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, dần xâm nhập vào nhiều ngóc ngách khác của đời sống", ông Trung khẳng định.
Còn theo ông Vũ Anh Tú, CTO của FPT, blockchain tạo ra làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi ở trên thế giới và Việt Nam. Riêng trong năm 2022, thế giới đầu tư hơn 11 tỷ USD và công nghệ cũng như giải pháp blockchain vẫn tiếp tục mở rộng. Ông Tú dẫn các thống kê cho thấy nhiều công ty tài chính lớn trên thế giới đang tiết kiệm hàng tỷ USD nhờ ứng dụng blockchain vào vận hành tổ chức và quản lý kinh doanh.
"Không chỉ startup, các công ty công nghệ lớn như Amazon, Google cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm và tạo ra các bước đệm vô cùng mạnh mẽ trong tiến trình tiên phong ứng dụng blockchain", ông Tú nói.
Các chuyên gia của CTO Summit 2022 nhiều lần nhấn mạnh blockchain không đơn thuần là Bitcoin hay tiền điện tử, công nghệ này là nền tảng đang được ứng dụng cho 50 lĩnh vực khác. "Ở FPT, chúng tôi đang đưa blockchain vào các ứng dụng tài chính ngân hàng, giáo dục và giải trí. Trong mảng doanh nghiệp, chúng tôi đang xây những nền tảng blockchain Layer 1, 2 để giúp các doanh nghiệp Việt xây dựng ứng dụng trên nền tảng blockchain", Giám đốc công nghệ của FPT cho biết.
Khương Nha