Nội dung này được nêu trong văn bản chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, trước thực tế nhiều dự án điện mặt trời áp mái hình thức trang trại biến tướng, lách luật trục lợi.
Tại một số dự án điện mặt trời mái nhà theo hình thức trang trại, theo công an tỉnh Bình Phước, "núp bóng" dưới vỏ bọc làm thủ tục xin chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang trồng cây hàng năm, rồi làm dự án trang trại chăn nuôi, trồng rau... Song, họ không nuôi con gì, không trồng cây gì, mà lại làm các trụ bê tông, trụ sắt, giá đỡ để lắp đặt pin năng lượng mặt trời, sau đó ký hợp đồng với công ty điện lực để bán điện với giá ưu đãi.
Việc cho phép các dự án không đảm bảo điều kiện hoạt động, công an tỉnh Bình Phước khẳng định, không đúng chủ trương của Chính phủ, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, và ảnh hưởng tới chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, tình hình quản lý đất đai của tỉnh. Vì thế, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước yêu cầu rà soát toàn bộ các dự án điện mặt trời mái nhà dưới hình thức trang trại.
Công an tỉnh xác minh thủ tục, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng, xét duyệt dự án, cũng như việc đấu nối, mua điện; lắp đặt điện mặt trời áp mái có đúng quy định không.
Sau xác minh, các dự án không đủ điều kiện hưởng ưu đãi giá mua điện mặt trời mái nhà sẽ được đề xuất thu hồi giấy phép đầu tư, xây dựng và ngừng ký hợp đồng mua điện. Các cá nhân, tổ chức liên quan tới sai phạm trong xét duyệt, thẩm định, đấu nối và mua điện từ các dự án này cũng sẽ bị đề xuất xử lý trách nhiệm.
Năm ngoái, loạt địa phương như Đăk Lăk, Gia Lai, Khánh Hoà... cũng chấn chỉnh tình trạng phát triển nóng dự án điện mặt trời trang trại nông nghiệp để hưởng ưu đãi.
Đầu tháng 3, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương và EVN rà soát dự án điện mặt trời, đề xuất giải pháp vận hành có hiệu quả nhằm hạn chế cắt giảm nguồn điện đã vận hành.
Theo số liệu của EVN, đến hết 21/5 có 104.282 dự án điện mặt trời áp mái được lắp đặt với tổng công suất 9.580 MW, tăng gần 1.600 MW so với cuối 2020. Sản lượng phát điện lên lưới hơn 3.574 MW.
Giá mua điện mặt trời mái nhà cho các dự án đấu nối, vận hành thương mại trước 31/12/2020 là 8,38 cent một kWh (khoảng 1.943 đồng), khiến loại hình này phát triển nóng cuối năm 2020.
Điện mặt trời mái nhà phát triển ồ ạt, không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng, gây khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện quốc gia. EVN cho biết, từ đầu năm 2021, tập đoàn đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.
Anh Minh