Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương ngày 24/8, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) dẫn Quyết định 13/2020, Luật Xây dựng 2014 cho biết, chỉ những hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng, có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống mới được coi là hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Còn các hệ thống điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ trên hồ, áo nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao... mà không lắp trên mái nhà công trình xây dựng, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo khẳng định, không được tính là điện mặt trời mái nhà. Do đó, không được áp dụng giá bán điện với hệ thống điện mặt trời mái nhà theo quy định tại Quyết định 13.
Trả lời VnExpress trước đây, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo nói "khi không phải là điện mặt trời áp mái sẽ được xác định là điện mặt trời mặt đất nối lưới hoặc nổi".
Hiện, giá mua điện từ EVN với các công trình điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent (khoảng 1.943 đồng một kWh), còn giá mua điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent (1.644 đồng) một kWh và điện mặt trời nổi là 7,69 cent (1.783 đồng) một kWh.
Cũng tại báo cáo này, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo cho biết, hệ thống điện mặt trời mái nhà đầu tư theo cụm có tổng công suất trên 1 MW (mỗi hệ thống dưới 1 MW) tại cùng một địa điểm của một chủ đầu tư và đấu nối tại một hoặc nhiều điểm không trái với quy định về hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Quyết định 13 và Thông tư 18. Do đó, hệ thống điện mặt trời kiểu này được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Chủ đầu tư tận dụng mái nhà văn phòng làm việc, nhà điều hành, nhà nghỉ, nhà để xe nhân viên, nhà xưởng, nhà kho... để đầu tư điện mặt trời mái nhà chỉ được EVN ký hợp đồng mua bán điện nếu điện mặt trời trên mái phù hợp với quy định tại Quyết định 13 và Thông tư 18.
Cục Điện lực kiến nghị UBND các tỉnh, cấp quản lý hoạt động xây dựng trang trại, nhà xưởng theo thẩm quyền quản lý đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và chủ động hướng dẫn nhà đầu tư tuân thủ chấp hành quy định pháp luật.
Riêng với các kiến nghị liên quan tới lắp đặt hệ thống điện mặt trời trong khu công nghiệp với mục đích tự dùng, Cục Điện lực cho rằng, không cần bổ sung quy hoạch. Nhưng EVN vẫn phải chịu trách nhiệm đầu tư đường dây, trạm... đầy đủ để đảm bảo cung cấp đủ điện khi không có nắng, khi không có điện mặt trời.
Trước đó, nhiều chủ đầu tư điện mặt trời tại các trang trại nông nghiệp ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Nông... cho biết đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào hệ thống điện mặt trời. Tuy nhiên, tới nay vì thiếu tiêu chí xác định cụ thể là điện mặt trời mái nhà hay nối lưới mà họ chưa thể ký hợp đồng mua bán điện cũng như thanh toán tiền điện với EVN. Trong khi đó, phần nhiều trong số tiền đã bỏ ra đầu tư họ phải đi vay ngân hàng.
Về phía EVN, tập đoàn này đã 2 lần gửi văn bản "giục" Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn chi tiết phân biệt dự án điện mặt trời mái nhà và nối lưới tại các trang trại nông nghiệp.
Đến ngày 23/8 đã có gần 45.300 hệ thống điện mặt trời mái nhà vận hành, công suất 1.029 MW, sản lượng đạt khoảng 500.692 MWh.