Theo đó, Bệnh viện dã chiến số 3 với 3.000 giường, đặt tại Đại học Việt Đức, thị xã Bến Cát. Bệnh viện dã chiến số 4 đặt tại Công ty Hoàng Hùng, huyện Bàu Bàng, từ 3.000 đến 5.000 giường bệnh.
Trước đó 3 ngày, tỉnh cũng lập Bệnh viện dã chiến số 2 quy mô 5.000 giường tại thị xã Bến Cát với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Bệnh viện sẽ thu dung điều trị ca bệnh không triệu chứng, nhẹ đến trung bình, dự kiến hoạt động ngày 5/8.
Đến nay, Bình Dương có 4 bệnh viện dã chiến với 16.000 giường bệnh, được bố trí tại TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng. Bệnh viện dã chiến số 1 gồm hai cơ sở, 3.000 giường bệnh, tại Trung tâm tổ chức triển lãm, TP Thủ Dầu Một và Xưởng khởi nghiệp Đại học Quốc tế Miền Đông.
Bình Dương áp dụng mô hình điều trị "tháp 3 tầng". Trong đó, tầng một thu dung và điều trị F0 mức độ nhẹ và không triệu chứng, gồm: Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM 1.500 giường; Bệnh viện dã chiến số 3 (Khu Đại học Việt Đức) 3.000 giường, Bệnh viện dã chiến số 4 (Khu nhà xưởng Hoàng Hùng, Bàu Bàng) 3.000 đến 5.000 giường.
Tầng hai tiếp nhận, thu dung, điều trị ca bệnh mức độ trung bình, gồm: Các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố như Thuận An 500 giường, Dĩ An 200 giường, Tân Uyên 400 giường, Bến Cát 400 giường, Phú Giáo 400 giường, Dầu Tiếng 200 giường, Bàu Bàng 400 giường, Bệnh viện dã chiến số một 3.000 giường, Bệnh viện dã chiến số 2 (Thới Hòa, Bến Cát) 5.000 giường...
Tầng ba là khu vực hồi sức cấp cứu chuyên sâu Covid-19 mức độ nặng, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1.000 giường, trong đó có 200 giường hồi sức cấp cứu ICU và các bệnh viện ngoài công lập, mỗi bệnh viện 20 giường ICU.
Sáng nay Bình Dương ghi nhận thêm 1.284 ca Covid-19, nâng tổng số ca tính từ đợt dịch thứ 4 trên địa bàn lên 11.968 ca.
Phước Tuấn