Trong bối cảnh nhiều cơ quan và chuyên gia đặt câu hỏi về dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD được đề xuất triển khai, Bình Định cho biết, sáng nay sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thu hút đầu tư - Kinh nghiệm từ Bình Định", với sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo địa phương.
Lãnh đạo Bình Định sẽ đối thoại trực tiếp về dự án lọc dầu 27 tỷ USD. Ảnh: Trí Tín |
Ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định, cho biết, trong số câu hỏi gửi về trước buổi tọa đàm, nhiều ý kiến thắc mắc tính khả thi của dự án khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng không nằm trong quy hoạch và gây mất cân đối cung cầu, Bộ Công Thương cũng đặt vấn đề cam kết của nhà đầu tư chưa mạnh mẽ.
Ngoài ra, một số câu hỏi cũng đề cập đến việc sẽ phải làm những gì để được chấp thuận, đến năm 2016 dự án có thể khởi công.
Ông Man Ngọc Lý nói: "Đây chưa phải thời điểm khẳng định dự án khả thi hay không bởi mới chỉ ở giai đoạn đánh gia tiền khả thi". Tuy nhiên, theo ông, khi nghiên cứu, UBND Bình Định nhận thấy có những dấu hiệu để dự án có thể thành hiện thực.
Theo ông Lý, Bình Định và PTT đánh giá rằng từ nay tới năm 2015 và tầm nhìn đến 2025, một số dự án lọc dầu có khả năng không triển khai được, và nếu có triển khai các dự án như Vân Phong, Long Sơn thì đến năm 2015 vẫn có thể thiếu 1-2 triệu tấn dầu. Do vậy, cho rằng những lo ngại của PVN "không như người ta nghĩ", vị này giải thích, nếu một số nhà máy lọc dầu không triển khai thì cả nước có thể thiếu 17 triệu tấn xăng dầu, nhưng theo kế hoạch, dự án lọc dầu tại Bình Định chỉ sản xuất 12,5 triệu tấn là xăng dầu, còn 17,5 triệu tấn là sản phẩm hóa dầu.
Còn với cam kết của nhà đầu tư Thái Lan, lãnh đạo ban quản lý khu công nghiệp Bình Định cho hay, Tổng giám đốc PTT đã ký một văn bản rằng nếu báo cáo tiền khả thi được Chính phủ phê duyệt thì nhà đầu tư cam kết triển khai đúng tiến độ.
Nhà đầu tư Thái Lan PTT dự kiến không có mặt tại buổi tọa đàm sáng nay. Ông Lý cho biết do chủ đề của cuộc tọa đàm là Bình Định tăng tốc đầu tư, dự án lọc dầu chỉ là một nội dung nên không cần thiết phải mời nhà đầu tư Thái Lan.
Hiện nay, trong khu kinh tế Bình Định có những lĩnh vực như du lịch, đô thị, công nghiệp. Ông Lý đánh giá, do khó khăn về điều kiện kinh tế nên các dự án du lịch chậm triển khai, khu đô thị cũng mới quy hoạch xong và đang triển khai thu hút đầu tư. Với khu công nghiệp khoảng hơn 2.000 hecta, nếu có dự án lọc hóa dầu thì sẽ lấp gần hết, còn 40 hecta giao cho các nhà đầu tư thứ cấp.
"Khi vào khu kinh tế Bình Định, nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi như dự án lớn có thể kéo dài thời gian thuê đất đến 70 năm, so với mức 50 năm bình thường và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm mà ở khu công nghiệp thì không được. Đối với dự án lọc hóa dầu, nhà đầu tư đang đề xuất được kéo dài thời gian hưởng thuế ưu đãi lên 30 năm, cũng như được áp thuế xuất nhập khẩu ưu đãi với các sản phẩm của nhà máy", vị này nói.
Theo chương trình, tham gia buổi tọa đàm có ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định.
Khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định được thành lập ngày 14/6/2005 với diện tích 12.000 ha trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và một phần của các huyện Tuy Phước, Phù Cát. Đây được quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có quy chế hoạt động riêng, bao gồm: khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu cảng biển và dịch vụ cảng biển, các khu du lịch, dịch vụ và khu đô thị mới. Khu kinh tế Bình Định được coi là trung tâm và động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực miền Trung. Đến 20/4/2013, có hơn 57 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bình Định còn triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD. |
Huyền Thư