Sau chuyến làm việc với Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết, hai bên đã thống nhất kế hoạch thu xếp 27 tỷ USD cho dự án nhà máy lọc hóa dầu tại Nhơn Hội với 5 tỷ USD vốn tự có của chủ đầu tư, còn lại huy động từ các nguồn trong và ngoài nước. Trong số này, dự kiến có khoảng 18 tỷ USD là vay thương mại.
Trước vấn đề này, một số chuyên gia tỏ ra lo ngại về tính khả thi của việc kêu gọi vốn "siêu dự án lọc hóa dầu". Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Cchiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét, với tổng tài sản hơn 50 tỷ USD, việc bỏ ra 5 tỷ USD không khó với PTT. Tuy nhiên, thu xếp phần đi vay 18 tỷ USD là không đơn giản. "Rất khó để thu xếp vốn cho dự án này, bởi chưa rõ 18 tỷ USD sẽ vay từ nguồn nào, trong nước hay nước ngoài", ông nói.
"Nếu vay ở trong nước thì các ngân hàng khó có thể thu xếp tới 18 tỷ USD, ngân sách Chính phủ thì không có rồi", vị này nhấn mạnh.
Ông cũng nêu khả năng PTT có thể liên kết với những tập đoàn lớn để vay tại quốc gia khác. Song, theo một chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, việc thu xếp vốn trên thế giới không dễ dàng, ngay cả với những tập đoàn tên tuổi lớn. "Phía chủ đầu tư và UBND tỉnh Bình Định sẽ phải giải trình rõ vấn đề này", ông cho biết.
"Siêu" dự án lọc hóa dầu tại Bình Định phải đi vay hơn 16 tỷ USD. Ảnh minh họa: Bloomberg |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Man Ngọc Lý - Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Nhơn Hội cho biết, cơ cấu vốn 60% đi vay và 40% tự có chưa phải là quyết định cuối cùng. "Hiện nay chủ đầu tư vẫn cân nhắc xem sẽ đi vay 50% hay 60%. Giữa tháng 5 này, họ sẽ chính thức có bản tiếng Anh và chuyển cho Bình Định dịch để phối hợp trình Thủ tướng xem xét", ông Lý nói.
Tuy nhiên, giả sử phương án được chọn là 60-40, theo ông Lý, ngoài việc góp 5 tỷ USD, PTT sẽ chịu trách nhiệm kêu gọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia góp khoảng 4 tỷ USD còn lại để thành lập một liên doanh có tư cách pháp nhân làm chủ đầu tư. Sau đó, liên doanh này sẽ đứng ra vay thương mại 18 tỷ USD còn lại, PTT sẽ chịu trách nhiệm trên tỷ lệ góp vốn.
Theo ông Man Ngọc Lý, phía PTT đang đề nghị được gia hạn áp thuế thu nhập 10% thêm 20 năm, từ mức chung 10 năm hiện nay để có được ưu đãi như lọc dầu Dung Quất. |
"Trước đây, phía PTT không định góp một phần ba, nhưng khi trao đổi phía Việt Nam góp ý là họ phải tăng lên. Sau khi thành lập liên doanh, PTT có thể chiếm tỷ lệ góp vốn cao nhất", vị này cho biết thêm.
Đánh giá về khả năng tham gia của đối tác Việt Nam, ông Lý cho rằng, trước đây PTT đề xuất doanh nghiệp trong nước tham gia để yên tâm, trong danh sách có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội. Tuy nhiên, mới đây PVN đã phản đối, do vậy Bình Định và PTT thống nhất phải tăng lượng vốn góp của đối tác nước ngoài lên. "Phần góp của Việt Nam sẽ không đáng kể, được bao nhiêu thì tùy", ông chia sẻ.
Trao đổi với đại diện Petrolimex, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc cho biết, tập đoàn hiện chưa có nghiên cứu gì về dự án lọc hóa dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội. Trong khi đó, PVN vừa qua cũng đã gửi văn bản lên Bộ Công thương đề nghị không ủng hộ chủ trương xây dựng nhà máy để "tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu".
Liên quan đối tác nước ngoài, vừa qua Bình Định đã mời Siam Cement- một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn 4,5 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hiện Siam đã nhận lời mời và sẽ đến làm việc với tỉnh để tìm hiểu kỹ hơn về dự án lọc hóa dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội.
"Vì có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia nên dự án chủ yếu vay vốn nước ngoài", vị này khẳng định.
Bên cạnh vấn đề vốn đầu tư, nguồn nguyên liệu của nhà máy, một chuyên gia cũng lưu ý việc xây cảng nước sâu tại khu kinh tế Nhơn Hội. Đứng về nhà máy lọc hóa dầu, nguồn cung đầu vào có thể không cần cảng nước sâu vì sẽ dùng hệ thống ống bơm vào, nhưng đầu ra sản phẩm hóa dầu thì cần, vì một số chất đặc thù có xút thì không thể vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt, ông cho biết.
Ông Man Ngọc Lý cho biết khi triển khai, dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội sẽ có 2 cảng. Một cảng nguyên liệu để cung ứng dầu cho nhà máy sẽ nằm ở biển Đông, độ sâu 30 mét, cách nhà máy lọc dầu 2km và đảm bảo cho tàu 200.000 - 300.000 tấn dầu hoạt động. Với cảng sản phẩm, khu này sẽ nằm trong đầm Thị Nại, tàu 5.000 tấn sẽ vào được.
So sánh với nhà máy lọc dầu Dung Quất, ông Lý cho rằng hệ thống cảng tại Nhơn Hội thuận lợi hơn. "Cảng nguyên liệu của Dung Quất cách nhà máy đến 4km, trong khi cảng sảm phẩm lại phải có đê chắn sóng, còn Nhơn Hội không cần vì nằm trong đầm", ông phát biểu.
Vị này tái khẳng định, hiện nay hạ tầng cần thiết để triển khai dự án không gặp vấn đề gì, việc giải phóng mặt bằng 2.000 hecta cơ bản đã xong, phần điện, xử lý nước thải cũng đã chuẩn bị. "Nhà đầu tư vào làm dự án sẽ không có gì vướng, chỉ có vấn đề về nhà máy cấp nước, nếu nhà đầu tư có nhu cầu thì sẽ có chủ đầu tư về cấp", ông nói.
Triển khai dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội được UBND tỉnh Bình Định kỳ vọng rất cao vì sẽ tạo động lực phát triển cho khu kinh tế của tỉnh miền Trung này. Tuy nhiên, trước việc có quá nhiều ý kiến trái chiều về dự án, bên cạnh phải giải trình với Chính phủ, ngày 12/5 tới, lãnh đạo tỉnh Bình Định sẽ có buổi trả lời trực tuyến để làm rõ các vấn đề về dự án lọc hóa dầu trị giá 27 tỷ USD cũng như định hướng quy hoạch, tiến độ phát triển hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội.
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ cũng nhận định, Bình Định phải phát triển Nhơn Hội để đây trở thành một khu công nghiệp lớn chứ không phải chỉ có nhà máy lọc hóa dầu.
Theo số liệu Cục đầu tư nước ngoài, 4 tháng đầu năm, Bình Định thu hút được 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vượt qua Bình Dương để lọt vào top 3 địa phương thu hút được nhiều vốn nhất trong những tháng đầu năm.
Huyền Thư