Các cuộc biểu tình và đình công hàng ngày ở Myanmar đã làm tê liệt nhiều văn phòng chính phủ và không có dấu hiệu giảm, bất chấp quân đội cam kết tổ chức cuộc bầu cử mới, kêu gọi công chức trở lại làm việc và dọa hành động nếu họ không thực hiện.
Hàng chục nghìn người hôm nay xuống đường ở thủ đô thương mại Yangon, một ngày sau một số cuộc biểu tình lớn nhất để phản đối cuộc đảo chính. Đám đông lớn quay lại chùa Sule ở trung tâm Yangon, trong khi những người khác đến địa điểm biểu tình yêu thích tại ngã tư gần khuôn viên trường đại học chính.
Các cuộc tuần hành đường phố diễn ra ôn hòa hơn so với các cuộc biểu tình trong nửa thế kỷ cai trị của quân đội trước đó, nhưng chúng và phong trào bất tuân dân sự đã làm tê liệt nhiều hoạt động kinh doanh chính thức. Nhiều tài xế ở Yangon lái xe với tốc độ chậm chạp để phản đối cuộc đảo chính, một ngày sau khi nhiều người vờ bị hỏng xe để chặn xe cảnh sát và quân đội.
"Chúng tôi không muốn sống phần đời còn lại trong nỗi sợ hãi", người biểu tình chạy xe chậm Ko Soe Min nói. "Tôi sẽ rất vui nếu quan chức chính phủ đi làm muộn hoặc không thể đến nơi làm việc".
Tại thành phố lớn thứ hai Mandalay, người biểu tình tập hợp để yêu cầu trả tự do cho hai quan chức bị bắt trong cuộc đảo chính. Tại cố đô Bagan, người dân với biểu ngữ và cờ đã diễu hành đầy màu sắc trên nền những ngôi đền cổ.
Chấm dứt chiến dịch bất tuân dân sự dường như là ưu tiên của chính quyền quân sự. Chính quyền hôm 17/2 ban hành lệnh bắt 6 người nổi tiếng, gồm đạo diễn, diễn viên và ca sĩ, theo luật chống kích động vì khuyến khích công chức tham gia biểu tình. Họ có thể đối mặt hai năm tù nếu bị kết tội.
"Thật ngạc nhiên khi thấy sự đoàn kết của người dân chúng ta. Quyền lực của nhân dân phải về tay nhân dân", nam diễn viên Lu Min, thuộc "danh sách truy nã" của quân đội, đăng Facebook một cách thách thức.
Một nhóm hoạt động theo dõi mạng xã hội cho biết từ 9/2, các bài đăng thể hiện sự phản đối xuất hiện ở khoảng 90% thành phố và thị trấn trên khắp đất nước. Trong khi đó, quân đội cho biết phần lớn người dân ủng hộ họ.
Dịch vụ tàu hỏa bị gián đoạn nghiêm trọng hôm 17/2. Tối cùng ngày, lực lượng an ninh ở Mandalay đối đầu nhân viên đường sắt đình công, bắn đạn cao su, dùng súng cao su và ném đá, người dân cho biết. Một nhân viên từ thiện bị thương ở chân do đạn cao su.
Cả quân đội và cảnh sát đều không đưa ra bất kỳ bình luận nào ngay lập tức về sự việc, nhưng trang Facebook của quân đội cho biết các lực lượng đang cung cấp an ninh trên khắp đất nước để "đảm bảo mọi người có được yên tĩnh và ngủ ngon".
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Myanmar cho biết 495 người đã bị giam kể từ cuộc đảo chính đầu tháng này. Hiện 460 người vẫn bị giam.
Quân đội nói một cảnh sát đã chết vì vết thương trong một cuộc biểu tình. Một người biểu tình bị bắn vào đầu trong cuộc biểu tình ở thủ đô Naypyitaw đang trong tình trạng nguy kịch và các bác sĩ nói cô sẽ không thể qua khỏi.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử, sau khi cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Bà Suu Kyi hiện đối mặt với hai cáo buộc, gồm nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc và vi phạm Luật Quản lý Thiên tai.
Cuộc đảo chính đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình lớn nhất hơn một thập kỷ qua tại Myanmar, lan rộng khắp cả nước, buộc lực lượng an ninh phải triển khai xe bọc thép, phun vòi rồng, bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông.
Huyền Lê (Theo Reuters)