Người biểu tình cầm theo ảnh Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi hôm nay tụ tập trước trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, nơi hiếm khi xảy ra các cuộc biểu tình chính trị lớn.
"Tự do cho Aung San Suu Kyi, tự do cho Myanmar", đám đông hô vang khẩu hiệu khi đại diện của họ trao cho các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản bản tuyên bố kêu gọi Tokyo sử dụng tất cả "sức mạnh chính trị, ngoại giao và kinh tế" để khôi phục chính quyền dân sự ở Myanmar.
Nhật Bản và Myanmar có mối quan hệ chặt chẽ từ lâu, khi Tokyo là nhà tài trợ lớn cho quốc gia Đông Nam Á này. Nhiều công ty lớn nhất Nhật Bản đã tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh ở Myanmar trong những năm gần đây.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Ky và các lãnh đạo khác của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), tuyên bố thành lập chính quyền quân sự vì chính phủ dân sự không thể phản hồi những bất bình của họ về cáo buộc gian lận bầu cử.
Hiệp hội Công dân Liên bang Myanmar, nhóm tổ chức biểu tình ở Tokyo, cho rằng Nhật Bản không nên công nhận chính quyền quân sự mới. Các nhà tổ chức cho hay 3.000 người đã tham gia cuộc biểu tình hôm nay.
Mathida, 50 tuổi, làm việc trong một nhà hàng ở Tokyo, cho hay bà tham gia biểu tình để thúc đẩy giới chức Nhật hành động nhiều hơn trong việc khôi phục nền dân chủ Myanmar.
"Chúng tôi muốn Aung San Suu Kyi, lãnh đạo kiêm người mẹ của đất nước chúng tôi, phải được tự do", bà nói. "Quân đội không phải là chính phủ".
Trong cuộc họp báo hôm 2/2, khi được hỏi liệu Nhật Bản có hay không ủng hộ hoặc bày tỏ lập trường giống Mỹ đối với cuộc đảo chính, bao gồm khả năng trừng phạt Myanmar, phát ngôn viên chính phủ nhắc lại tuyên bố Nhật Bản sẽ giữ liên hệ với những quốc gia khác và theo dõi tình hình ở Myanmar.
Một quan chức quốc phòng hàng đầu của Nhật Bản bày tỏ Tokyo cần thận trọng trong cách tiếp cận với Myanmar vì việc cắt đứt quan hệ có nguy cơ đẩy Myanmar xích lại gần Trung Quốc.
Mỹ, Australia và Liên Hợp Quốc đã phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, yêu cầu quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình.
Trung Quốc, thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an, không lên án cuộc đảo chính ở Myanmar hôm 1/2, khi nói rằng vấn đề nên được giải quyết trong nội bộ. Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của Myanmar và đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở nước này.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)