Hàng nghìn người biểu tình ngày 28/2 đổ xuống đường phố Chisinau, thủ đô Moldova, yêu cầu chính phủ nước này trợ cấp đầy đủ hóa đơn năng lượng mùa đông cho người dân và "không đẩy đất nước vào chiến tranh".
"Đả đảo Maia Sandu!", đám đông vẫy cờ, bấm còi xe, gây ùn tắc giao thông. Họ hô khẩu hiệu cáo buộc chính quyền Tổng thống Sandu "thân phương Tây" và yêu cầu bà từ chức. Hàng trăm cảnh sát được điều động để tăng cường an ninh cho dòng phương tiện ra vào thủ đô.
Cuộc biểu tình do Phong trào Nhân dân dẫn dắt, được hỗ trợ bởi các thành viên đảng Shor thân Nga đang nắm 6 ghế trong 101 ghế tại quốc hội Moldova. Lãnh đạo đảng Shor, nhà tài phiệt Ilan Shor, cáo buộc cảnh sát "tìm cách giải tán cuộc biểu tình ôn hòa".
Moldova gần đây chìm trong khủng hoảng do giá khí đốt tăng vọt và lạm phát cao, khiến thủ tướng Natalia Gavrilita tuyên bố từ chức hồi đầu tháng. Tổng thống Sandu sau đó bổ nhiệm Dorin Recean, người có tư tưởng ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), làm tân Thủ tướng.
Quyết định này đã châm ngòi cho một số cuộc biểu tình của những người ủng hộ Nga ở thủ đô Chisinau. Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ thứ hai tại thủ đô Chisinau chỉ trong vòng hai tuần.
Bà Sandu ngày 13/2 cáo buộc Nga đang tìm cách lợi dụng tình hình bất ổn ở quốc gia này "nhằm lật đổ chính phủ, xây dựng chính quyền mới thân Moskva và làm chệch mục tiêu gia nhập EU trong tương lai". Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc này.
Moldova có dân số gần 2,6 triệu người, giáp với Romania về phía tây và Ukraine ở phía bắc, đông và nam. Quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu đi xuống từ năm 2021, khi chính phủ thân châu Âu lên nắm quyền ở Chisinau, và càng thêm tồi tệ sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2/2022.
Ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo phương Tây "không hành động liều lĩnh ở Moldova" và "sẽ coi mọi hành động đe dọa nhằm vào lực lượng Nga ở Transnistria là tấn công nước này". Transnistria là vùng ly khai thân Nga nằm ở phía đông Moldova, giáp biên giới với Ukraine.
Transnistria có dân số hơn 500.000 người, chủ yếu là những người nói tiếng Nga đã rời Moldova năm 1990, một năm trước khi Liên Xô tan rã, do lo ngại rằng Moldova sẽ hợp nhất với Romania.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Transnistria tuyên bố ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Transnistria từ năm 1993.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/2 cáo buộc quân đội Ukraine đang tập trung lực lượng gần Transnistria nhằm thực hiện kế hoạch "đe dọa trực tiếp lực lượng gìn giữ hòa bình Nga" tại đây. Cả Ukraine và Moldova đều bác bỏ điều này.
Đức Trung (Theo AP)