Robert Beckman, giám đốc Trung Tâm Luật quốc tế, đại học quốc gia Singapore (NUS), hôm 29/10 phát biểu tại Học viện quốc tế S.Rajaratnam, Singapore rằng việc cải tạo các rạn san hô trong vùng biển tranh chấp ở quần đảo Trường Sa không thể củng cố chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại khu vực này.
Ông Beckman nêu thực tế các nước khác như Việt Nam, Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo hoặc đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng. "Một khi có tranh chấp, những nước đang chiếm đóng và kiểm soát đảo đó không thể tăng cường yêu sách chủ quyền bằng cách thực hiện cải tạo, hoặc xây dựng hay tái cấu trúc", ông diễn giải.
Theo Công ước về Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), đảo "là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước".
"Nếu một hòn đảo nổi lên mặt nước khi thủy triều lên do được cải tạo, đó là một hòn đảo nhân tạo", ông Beckman nói. "Theo UNCLOS, một hòn đảo nhân tạo thì không có lãnh hải riêng, chứ đừng nói đến vùng đặc quyền 12 hải lý. Do đó, việc cải tạo các bãi đá để chúng nổi khi thủy triều lên không làm thay đổi tình trạng pháp lý của nó".
Dựa trên định nghĩa về đảo của UNCLOS, Trung Quốc không thể biến một hòn đá thành một hòn đảo nhằm hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho riêng mình, ABS dẫn lời Beckman.
Trung Quốc gần đây tiến hành nhiều hoạt động xây dựng và cải tạo đất phi pháp trên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa như bãi Gạc Ma, Én Đất, Châu Viên, Tư Nghĩa, Đá Lạc... Đây được coi là nỗ lực nhằm mở rộng và tăng cường yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines.
Hồng Hạnh