Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết giữa Trung Quốc và Việt Nam. "Tôi muốn chỉ ra rằng tranh chấp nên được giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn giữa các nước trực tiếp có liên quan", ông Hồng nói, nhắc lại quan điểm muốn giải quyết tranh chấp theo cách tay đôi mà Bắc Kinh chủ trương lâu nay.
Phát ngôn của ông Hồng được đưa ra sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ. Hà Nội và New Delhi nhất trí ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Việt Nam cũng kêu gọi Ấn Độ, với tư cách một nước lớn trong khu vực và trên thế giới, ủng hộ tích cực các bên liên quan để giải quyết hòa bình mọi tranh chấp ở vùng biển này.
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết Thoả thuận thăm dò dầu khí trên Biển Đông giữa Công ty ONGC Videsh và Tập đoàn dầu khí Việt Nam về việc thăm dò khai thác các khu vực trên Biển Đông, trong vùng thuộc chủ quyền Việt Nam.
Phản ứng trước sự kiện này, Bắc Kinh cho biết sẽ có sự "phản đối mạnh mẽ" nếu các hoạt động thăm dò khai thác đó "gây ảnh hưởng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc". Trung Quốc đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông mà không dựa trên cơ sở pháp lý nào, không được các nước liên quan và quốc tế công nhận.
Ấn Độ không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp trên Biển Đông nhưng nhiều lần bày tỏ quan ngại trước những căng thẳng gia tăng liên quan đến chủ quyền lãnh hải.
'Thông điệp rõ ràng'
Ngoài hợp tác dầu khí, Việt Nam và Ấn Độ cũng nhấn mạnh hợp tác quốc phòng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định "hợp tác quốc phòng với Việt Nam là một trong những ưu tiên quan trọng nhất".
"Ấn Độ tiếp tục cam kết hiện đại hóa lực lượng quốc phòng và an ninh của Việt Nam, bao gồm mở rộng chương trình huấn luyện, các cuộc diễn tập chung và hợp tác về trang thiết bị quốc phòng", ông Modi nói. Thủ tướng Ấn Độ khẳng định sẽ triển khai nhanh gói tín dụng 100 triệu USD để giúp Việt Nam mua sắm trang bị và tăng cường an ninh.
Theo Times of India, bằng việc đưa Việt Nam trở thành trọng tâm trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương, chính phủ Ấn Độ đã gửi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc rằng New Delhi sẽ tích cực theo đuổi các lợi ích của mình tại khu vực này.
"Chính phủ của tôi đang tăng cường nhanh chóng và có chủ đích cam kết của chúng tôi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có tầm quan trọng đối với tương lai của Ấn Độ", ông Modi viết trên Twitter.
Anh Ngọc