Tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng ảnh hưởng đến tầm nhìn, thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của mọi người khi phải mang cặp kính dày. Cận thị còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thường gặp nhất là thoái hóa võng mạc chu biên. Ths. BS Bùi Cẩm Hương - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội chia sẻ về vấn đề này.
- Bác sĩ cho biết thoái hóa võng mạc chu biên là gì?
- Võng mạc là lớp màng thần kinh trong cùng của mắt, có tác dụng như phim máy ảnh, quyết định khả năng nhìn của mắt. Võng mạc chu biên nằm ngoài hoàng điểm. Ở những người cận thị, đặc biệt là cận thị nặng, trục nhãn cầu sẽ phát triển dài hơn bình thường, từ đó, làm võng mạc bị kéo căng theo. Vùng chu biên nằm ở xa nhất nên rất dễ bị giãn, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu, dần dần gây chết tế bào võng mạc, dẫn tới thoái hóa. Thoái hóa võng mạc chu biên là tiền đề của sự hình thành các lỗ rách, dẫn đến tích tụ dịch gây bong võng mạc.
Tỷ lệ các bạn trẻ phát hiện bị bệnh lý này khi thực hiện khám xóa cận chuyên sâu tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn rất cao, có ngày lên tới 50% - 60%. Và gần hầu hết trong số đó chưa có kiến thức về bệnh nên đều hoang mang khi nhận chẩn đoán.
![Ths. BS Bùi Cẩm Hương có gần 20 năm tư vấn và điều trị tật khúc xạ với 30.000 ca phẫu thuật thành công. Ảnh: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/07/10/image001-6881-1688960877.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SJE4ztdP6B6gA6TTtvGXLw)
Ths. BS Bùi Cẩm Hương có gần 20 năm tư vấn và điều trị tật khúc xạ với 30.000 ca phẫu thuật thành công. Ảnh: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội
- Tại sao người cận thị nặng dễ bị thoái hóa võng mạc chu biên?
- Trong một nghiên cứu gần đây trên mắt cận thị cao của người trẻ châu Á của nhóm chuyên gia về mắt tại Singapore, 67% người cận thị cao có ít nhất một thay đổi ở võng mạc ngoại vi. Tỷ lệ thoái hóa rào võng mạc ngoại vi là 17% và là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới rách, bong võng mạc.
Bong võng mạc là một cấp cứu nhãn khoa nguy hiểm, bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật. Võng mạc bị bong càng được áp lại sớm, thị lực càng được bảo tồn tốt hơn. Tuy nhiên, phẫu thuật bong võng mạc không phải lúc nào cũng thành công và dù được áp lại tốt, cũng không đảm bảo thị lực có thể trở lại như ban đầu.
Trong quá trình thực hành lâm sàng, tôi gặp không ít trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ mới học cấp 2, cấp 3 đã bị thoái hóa võng mạc chu biên. Võng mạc có nhiều vết rách do cận loạn cao, không được kiểm soát tốt tiến triển cận thị. Có những bạn xử lý kịp thời, bảo tồn được thị lực, nhưng một số bạn phát hiện muộn, thị lực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Những dấu hiệu nào giúp người cận thị nặng nhận biết sớm thoái hóa võng mạc chu biên?
- Thoái hóa võng mạc chu biên nguy hiểm ở chỗ không gây cảm giác đau hay khó chịu trong mắt và khó phát hiện. Tình trạng bệnh thường diễn ra âm thầm và chỉ được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đi khám, nhỏ giãn đồng tử để kiểm tra đáy mắt. Tuy nhiên, khi mắt xuất hiện các dấu hiệu như: đột ngột thấy hiện tượng ruồi bay nhiều; có chớp sáng, lóe sáng nhiều màu sắc trong mắt; có quầng đen lan dần từ phía xa đến vùng trung tâm (khuyết thị trường), các bạn cần phải đi khám. Đây có thể là các dấu hiệu của hiện tượng bong võng mạc, nếu không xử lý kịp thời, việc mất hẳn thị lực là điều dễ xảy ra.
Với các bạn bị cận thị nặng, tôi thường tư vấn nên tới bệnh viện khám mắt định kỳ tối thiểu 2 lần một năm. Việc này sẽ góp phần giúp phát hiện sớm các tổn tương để phòng tránh nguy cơ bong võng mạc cũng như không bỏ qua thời điểm vàng điều trị.
Để phát hiện thoái hóa võng mạc chu biên, không thể sử dụng các phương pháp kiểm tra mắt thông thường mà phải trải qua quá trình nhỏ giãn đồng tử kết hợp với soi đáy mắt chuyên sâu.
![Những người cận thị nặng cần thực hiện khám mắt định kỳ tối thiểu 2 lần/năm nhằm phát hiện sớm các tổn thương ở mắt nếu có. Ảnh: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/07/10/image003-8121-1688960877.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xA-ND_WkfxC907D1TtJO3A)
Những người cận thị nặng cần thực hiện khám mắt định kỳ tối thiểu 2 lần/năm nhằm phát hiện sớm các tổn thương ở mắt nếu có. Ảnh: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội
- Phương pháp nào giúp khắc phục hoặc điều trị dứt điểm tình trạng này?
- Phương pháp điều trị thông thường là laser quang đông võng mạc. Tia laser sẽ tạo ra các điểm sẹo trên vùng võng mạc quanh các tổn thương, giúp khu trú vùng thoái hóa. Laser quang đông võng mạc là phương pháp can thiệp nhẹ nhàng, ít nguy cơ, không gây chảy máu, không cần vào phòng mổ mà chỉ cần nhỏ tê trước khi thực hiện. Sau khi chiếu tia laser, bệnh nhân có thể về nhà ngay và sinh hoạt bình thường. Nếu khu vực cần chiếu tương đối rộng thì việc chiếu tia laser có thể được chia thành nhiều đợt khác nhau.
Laser quang đông trong điều trị thoái hóa võng mạc chu biên không giúp cải thiện thị lực hoặc hồi phục vùng nhìn bị mất mà chỉ để đưa nguy cơ bong rách võng mạc về mức thấp nhất. Vì vậy, việc thăm khám chuyên sâu để phát hiện tình trạng này từ sớm để tránh biến chứng vẫn là rất quan trọng.
- Người bị thoái hóa võng mạc chu biên có thể mổ cận?
- Hiện nay, mổ cận đang là phương pháp điều trị các tật khúc xạ cận - viễn - loạn được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Với các phương pháp điều trị cận thị bằng laser hiện đại thì lực hút sẽ rất nhỏ lên nhãn cầu nên gần như không ảnh hưởng gì đến tổ chức nội nhãn. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị thoái hóa võng mạc chu biên có nguy cơ gây bong, rách võng mạc thì cần phải điều trị trước khi phẫu thuật.
Thông thường sau khoảng một đến hai tuần kể từ khi laser quang đông võng mạc, khi nốt laser tạo sẹo dính chắc vào võng mạc thì có thể thực hiện mổ cận. Còn việc lựa chọn phương pháp nào, cần tìm đến các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa mắt uy tín để được khám và tư vấn trước khi quyết định.
![Thoái hóa võng mạc chu biên không phải là biến chứng duy nhất trên mắt cận thị nặng. Ảnh: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/07/10/image005-6327-1688960877.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N9fz1jQ3jgrTFwrjI3UGFw)
Thoái hóa võng mạc chu biên không phải là biến chứng duy nhất trên mắt cận thị nặng. Ảnh: Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội
- Vậy làm thế nào để bảo vệ "cửa sổ tâm hồn" trước bệnh lý nguy hiểm này, thưa bác sĩ?
- Thoái hóa võng mạc chu biên không phải là biến chứng duy nhất trên mắt cận thị nặng, còn nhiều nguy cơ khác như tân mạch hắc mạc, thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể, glocom... Nếu để xảy ra, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều và thị lực sẽ không thể hồi phục khi bệnh diễn tiến quá nặng.
Lời khuyên chung cho các bạn bị cận thị là tầm soát tiến triển cận từ sớm, ngay khi phát hiện có cận thị để phòng tránh nguy cơ tiến triển thành cận thị nặng. Các bạn cần có chế độ sinh hoạt hợp lý như: ngồi đúng tư thế, học tập trong môi trường đủ ánh sáng, hạn chế lạm dụng thiết bị công nghệ điện tử, thời gian hoạt động mắt và nghỉ ngơi xen kẽ khoảng mỗi 30 phút một lần. Bên cạnh đó, bạn cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các thực phẩm, vitamin tốt cho mắt. Khi ra ngoài trời, cần đeo kính mát, kính chống tia UV để hạn chế tia cực tím gây hại cho mắt.
Như Ý
Liên hệ Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội:
Địa chỉ: 532 Đường Láng, Đống Đa, Hà Nội.
Hotline: 0904 820 022 - 024 32484 702.
Website: https://matsaigonduonglang.com/.