Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ và là cố vấn chính phủ về Covid-19, ngày 8/6 nhận định tốc độ lây lan của biến chủng Delta có vẻ đã được kìm hãm nhờ vaccine. "Biến chủng này đang xâm chiếm nước Anh. Chúng ta không thể để kịch bản tương tự xảy ra ở Mỹ. Đây sẽ là minh chứng cho hiệu quả của vaccine", Fauci trả lời họp báo tại Nhà Trắng.
Biến chủng xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ có mức lây nhiễm cao hơn biến chủng Alpha, được phát hiện ở Anh vào cuối năm 2020, khoảng 40-70%. Delta cũng được cho là nguyên nhân thúc đẩy đợt bùng phát Covid-19 hiện nay tại Anh dù nước này đã tiêm chủng hơn 40% dân số. Giới chuyên gia tại Anh thậm chí lo ngại đảo quốc sẽ trả qua làn sóng dịch thứ ba nếu nới lỏng phong tỏa.
Theo số liệu của Bộ Y tế Anh, người tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca có tỷ lệ bảo vệ hiệu quả 88% khỏi triệu chứng do biến chủng Delta gây nên. Fauci tự tin rằng dữ liệu của Pfizer đủ để người dân tin tưởng cả vaccine Moderna vì cả hai dùng cùng công nghệ mARN. Hiện Mỹ đã phê duyệt sử dụng 3 loại vaccine gồm Pfizor-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.
Điều khiến giới chuyên gia và quan chức y tế lo ngại là hiệu quả vaccine trước biến chủng Delta sau một mũi tiêm. Tỷ lệ bảo vệ được ước tính khoảng 33%. Cơ thể rất cần mũi tiêm thứ hai để tăng cường hệ miễn dịch kháng lại virus. Khoảng 42,8% dân số Mỹ đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 và 52,3% dân số đã tiêm ít nhất một liều.
Theo Anthony Fauci, biến chủng Delta tại Anh chiếm hơn 60% tổng số ca nhiễm mới và tăng cao nhất trong nhóm 12-20 tuổi. Đây cũng là nhóm dân số mà Mỹ đang tăng tốc tiêm ngừa, cố gắng loại trừ lỗ hổng miễn dịch cộng đồng. Những người trong độ tuổi này tại Anh và Mỹ được tiêm vaccine trễ hơn do quy trình kiểm tra và phê duyệt vaccine. Trong một năm qua, cơ quan y tế các nước chủ trương cấp phép tiêm trước cho người trưởng thành và ưu tiên những nhóm dân số có nguy cơ cao.
Vaccine chủ yếu bảo vệ người được tiêm ngừa khỏi nguy cơ triệu chứng, bệnh nặng và tử vong nhưng không loại bỏ hoàn toàn khả năng lây nhiễm. Làn sóng tại Anh là ví dụ điển hình khi dịch lây lan âm thầm rồi bùng phát ở nhóm dân số chưa có độ phủ vaccine đủ lớn.
Nhìn chung, chương trình tiêm ngừa Covid-19 quyết liệt tại Mỹ vẫn trụ vững trước biến chủng mới. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Rochelle Walensky, số ca nhiễm nCoV giữ xu hướng giảm liên tiếp. Trong ngày 7/6, số ca nhiễm mới còn hơn 10.000 và mức trung bình tuần là hơn 13.200. Lần đầu tiên từ ngày 27/3/2020, số ca nhập viện trên toàn quốc dưới mốc 15.000. Số ca nhập viện mỗi ngày giảm 83% so với đỉnh vào ngày 9/1.
"Các bằng chứng thời gian qua cho thấy người được tiêm đầy đủ đã được bảo vệ khá tốt trước biến chủng mới", tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu giám đốc Cục quản lý Thực phẩm và Thuốc (FDA), trả lời trên CNBC ngày 9/6.
Gottlieb dự báo Mỹ sẽ không đối diện nguy cơ bùng phát lây nhiễm ít nhất là trước mùa thu năm nay. Tuy nhiên, ông vẫn lo ngại lượng người chưa được tiêm ngừa Covid-19 đủ lớn để lây lan biến chủng mới. Phần lớn ca nhiễm tại Anh là người chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm một liều.
"Nếu có một cộng đồng gồm nhiều người chưa tiêm ngừa, kết hợp với một sự kiện siêu lây nhiễm bằng biến chủng Delta, bạn sẽ đối diện một đợt bùng phát mới", Gottlieb cảnh báo.
Mối lo ngại kịch bản Anh tái diễn càng có cơ sở khi chiến dịch tiêm ngừa ở Mỹ có dấu hiệu chững lại. Số mũi vaccine được tiêm mỗi ngày đã xuống dưới mức một triệu. Chính phủ Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực đưa vaccine đến những nhóm khó tiếp cận, bao gồm những vùng thôn quê mà người dân cần di chuyển xa để đến điểm tiêm vaccine. Mục tiêu tiêm chủng 70% dân số trước lễ quốc khánh Mỹ ngày 4/7, một trong những cam kết táo bạo của Biden, đang bên bờ vực thất bại khi chỉ có 13 bang đạt đến cột mốc này.
Bang có tỷ lệ tiêm ngừa thấp nhất trên tổng dân số là Mississippi với 27,5% tính đến ngày 7/6. Alabama có thể là điểm yếu thứ hai của lưới miễn dịch cộng đồng bằng vaccine khi mới khoảng 29,4% dân số toàn bang được tiêm ngừa. Một loạt bang khác ở miền nam và trung tây nước Mỹ có thành tích khá hơn như Arkansas, Louisiana, Tennessee hay Wyoming nhưng vẫn cách rất xa mục tiêu 70%.
"Trước mắt chúng ta vẫn may mắn chưa gặp nạn dù tỷ lệ tiêm ngừa thấp. Tuy nhiên, cư dân tại những vùng này đang đối diện rủi ro lớn. Một khi xuất hiện nhiều biến chủng lây nhiễm trong cộng đồng tại Mỹ, họ có nguy cơ tái nhiễm và diễn tiến bệnh rất nặng", Ashish Jha, chủ nhiệm Khoa Y Đại học Brown, cảnh báo.
Trung Nhân (Theo WP, CNBC, CNN)