Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt tình trạng thiếu vaccine Covid-19 khi chỉ có 4,8% công dân được tiêm chủng kể từ cuối tháng 12 năm ngoái, đồng nghĩa lục địa này thậm chí còn chưa thể bắt đầu cuộc chiến với các biến chủng mà nhiều chuyên gia cho rằng sẽ là vấn đề trọng tâm trong chính sách y tế vài tháng hoặc vài năm tới.
Hầu hết quốc gia châu Âu chứng kiến số ca nhiễm giảm đều đặn sau nhiều tháng phong tỏa, nhưng việc các biến chủng mới ở Anh, Nam Phi và Brazil, với tên gọi lần lượt là B.1.1.7, B.1.351 và P1 lây lan mạnh, có thể nhanh chóng "phủi sạch" kết quả chống dịch trước đó.
Ba biến chủng đang hoành hành ở châu Âu được cho dễ lây lan và có thể nguy hiểm hơn nCoV ban đầu tấn công lục địa này. Nhiều bằng chứng cho thấy một số chủng có thể ít bị tác động bởi các loại vaccine đang triển khai, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC).
Cho tới đầu tháng 2, biến chủng đầu tiên được xác định ở Anh đã chiếm tới 96% số mẫu virus tại ba phòng thí nghiệm lớn ở Anh, trong khi hồi đầu tháng 12, tỷ lệ này chỉ hơn 30%, theo chính phủ Anh.
Tại Đan Mạch, biến chủng Anh chiếm khoảng 27% số mẫu virus, tại Pháp là hơn 13%, nhưng ở Bồ Đào Nha là 45%, theo ECDC. Tại Italy, biến chủng mới hiện chiếm khoảng 18% ca nhiễm mới và dự đoán trở thành virus "thống trị" chỉ trong vài tháng, theo Viện Y tế Quốc gia Italy. Giới chức Hà Lan cũng cho rằng biến chủng mới sẽ là tác nhân gây ra hầu hết ca nhiễm mới ở nước này cho tới giữa tháng 3.
Biến chủng Nam Phi và Brazil chiếm khoảng 4-5% số ca nhiễm ở Pháp, theo một nghiên cứu gần đây. Các nhà chức trách ở Đức ước tính hai biến chủng này chiếm khoảng 6% ca nhiễm mới trong hai tuần qua và dự kiến đang gia tăng mạnh. Giới chức Berlin đầu tuần này cho biết cho tới tháng 4, biến chủng Anh sẽ là virus gây ảnh hưởng mạnh nhất ở thành phố này.
Các biến chủng có khả năng lây nhiễm cao lây lan mạnh đã trở thành yếu tố chính cản trở nỗ lực dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch ở châu Âu, khi các quốc gia phải tìm cách ngăn các đợt bùng phát mới giữa lúc thiếu vaccine. Nhiều quốc gia thậm chí vẫn chần chừ nới hạn chế dù nhiều tuần chứng kiến số ca nhiễm giảm đều đặn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra cả ba loại vaccine đang được sử dụng ở châu Âu đều giảm hiệu quả với biến chủng mới. Nam Phi thậm chí đình chỉ chiến dịch tiêm chủng vaccine AstraZeneca do lo ngại không hiệu quả đối với biến chủng mới. Song chính phủ Anh tự tin rằng biến chủng mới xuất hiện ở quốc gia này sẽ bị vô hiệu hóa bởi các loại vaccine hiện tại.
Ngoài ra, các đơn đặt hàng bị trì hoãn do trục trặc sản xuất hoặc tốc độ phê duyệt chậm chạp của EU đã khiến nhiều quốc gia châu Âu không thể tiếp tục chiến dịch tiêm chủng như kế hoạch ban đầu.
Ngay cả một số quốc gia có thể tiêm phòng cho một bộ phận lớn dân số vẫn cảm thấy lo ngại.
Anh đã tiêm chủng cho hơn 1/4 dân số và tốc độ lây lan của biến chủng B.1.1.7 gần như giảm một nửa nhờ lệnh phong tỏa từ đầu tháng 1. Trong tuần đầu tháng 2, 0,8% dân số Anh dương tính với biến chủng mới, giảm từ gần 1,5% vào cuối năm ngoái, theo khảo sát của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh. Quan chức chính phủ Anh cho rằng B.1.1.7 vẫn là biến chủng phổ biến ở quốc gia này do khả năng dễ lây lan hơn các loại khác, trong đó có biến chủng Nam Phi.
Giới chức vẫn tỏ ra lo ngại, bởi càng nhiều người bị nhiễm, khả năng biến chủng mới của nCoV xuất hiện càng cao, khiến ngay cả những người đã tiêm chủng gặp nguy hiểm, theo Thủ tướng Boris Johnson.
"Không có chương trình tiêm chủng nào hiệu quả 100%", Thủ tướng Johnson nói.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuần trước cũng cảnh báo những tuần sắp tới có thể là giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch do sự xuất hiện của biến chủng mới.
Phát ngôn viên của bà Merkel đầu tuần này cho biết chính phủ Đức đang thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại giai đoạn ba, với khoảng cách 14 ngày giữa các giai đoạn để theo dõi tình hình dịch tễ trước khi dỡ bỏ một loạt hạn chế. Cách tiếp cận từng bước thận trọng được thiết kế nhằm tránh các đợt bùng phát mạnh trở lại sau khi mở cửa.
Lo lắng về biến chủng mới đã khiến chính phủ Đức phải đóng cửa các khu vực biên giới, gây ra cuộc tranh cãi ngoại giao khi khiến hơn 5.000 người phải quay lại Áo và Cộng hòa Czech. Chính phủ Áo đã triệu tập đại sứ Đức để phàn nàn về vấn đề này, trong khi chính phủ Đức tìm kiếm sự đảm bảo từ giới chức Đức để tránh khả năng biện pháp tương tự được áp đặt ở biên giới chung hai nước.
Một vùng của Pháp giáp biên giới Đức đã ghi nhận hơn 300 ca nhiễm biến chủng Brazil và Nam Phi trong vài ngày gần đây, theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran tuần trước.
Một số quốc gia cũng xem xét siết chặt biện pháp kiểm soát đại dịch. Chính phủ Italy đang thảo luận các biện pháp mới để ngăn đợt bùng phát mới do biến chủng Anh gây ra. Cuối tuần qua, Rome đột ngột ngừng kế hoạch mở cửa các khu trượt tuyết, yêu cầu du khách từ Áo phải tự cách ly và ban hành lệnh cấm với du khách từ Brazil.
Walter Ricciardi, cố vấn khoa học của chính phủ Italy, đang thúc đẩy biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để chặn đứng chuỗi lây lan của virus và nối lại hệ thống xét nghiệm, truy vết tiếp xúc hiệu quả, trong khi tiếp tục chiến dịch tiêm chủng.
"Chúng ta cần thay đổi cách thức hành động và theo đuổi một chiến lược không liên quan tới việc sống chung với virus. Chúng ta cần chiến lược không có Covid-19", Ricciardi nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)