Trước đó Loan sốt cao, xét nghiệm âm tính với cúm A, B, Covid, sốt xuất huyết nên nghĩ cảm thường, uống thuốc paracetamol hạ sốt. Bốn ngày sau bệnh nặng hơn, chị vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội điều trị với chẩn đoán men gan tăng, tổn thương gan. Còn anh Quang Đức 34 tuổi, mắc sởi với triệu chứng sốt cao, mệt mỏi liên tục 7 ngày điều trị tại nhà không khỏi. Khi nhập viện, anh phát ban toàn thân, tiêu chảy 10-15 lần/ngày, ho đờm nhiều, viêm giác mạc, nhìn mờ.
Ngày 31/12, ThS.BS Nguyễn Thúy Hậu, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các bệnh nhân tự điều trị tại nhà sai cách nên bị biến chứng, phải điều trị tích cực tại viện và dùng kháng sinh. Như chị Loan do uống thuốc hạ sốt nhiều và dài ngày dẫn đến gan tổn thương, được điều trị giảm men gan, hỗ trợ nâng cao thể trạng. Anh Quang Đức phải dùng thuốc kháng viêm, tránh để lại sẹo hoặc nguy cơ mù lòa.
"Nhiều người lớn chủ quan, cho rằng sởi chỉ xuất hiện ở trẻ em nên không khám và điều trị, không biết mình mắc bệnh", bác sĩ Hậu giải thích, thêm rằng đa phần bệnh nhân không xác định được đã tiêm sởi hay chưa, bị suy giảm miễn dịch sởi có bệnh nền, đang trong liệu trình vào hóa chất điều trị ung thư...
Một tháng qua, khoa Nội tổng hợp bệnh viện Tâm Anh Hà Nội ghi nhận số ca sởi ở người lớn tăng nhanh. Cụ thể, tháng 11 bệnh viện tiếp nhận 8 ca điều trị nội trú, tháng 12 tăng lên 20 ca. Trung bình một tuần 5 ca nhập viện, 35% trong số đó gặp biến chứng. Trong khi đó cả năm 2023 bệnh viện chỉ tiếp nhận một ca sởi và cho điều trị ngoại trú.
Trước tình hình trên, bác sĩ Hậu khuyến cáo người lớn không chủ quan với sởi. Khi có dấu hiệu ho sốt, cần đến bác sĩ khám để xác định bệnh và điều trị thích hợp, tránh tự ý dùng thuốc. Người không có tiền sử tiêm vaccine rõ ràng, cần chủng ngừa đầy đủ.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết hiện Việt Nam có các loại vaccine sởi đơn và phối hợp phòng nhiều bệnh trong một mũi tiêm phổ biến cho trẻ em và người lớn, tiêm từ 9 tháng tuổi. Tiêm hai mũi vaccine có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%. Tại địa phương công bố dịch như TP HCM, vaccine sởi đơn MVVAC và sởi - quai bị - rubella MMR II có thể tiêm từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi, sau đó trẻ cần hoàn thành tiếp các mũi theo lịch tiêm cơ bản.
Người lớn không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng nên tiêm hai mũi phối hợp sởi - quai bị - rubella (Priorix của Bỉ hoặc MMR II của Mỹ) để phòng bệnh. Phụ nữ nên tiêm trước 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng để bảo vệ thai kỳ khỏe mạnh và truyền kháng thể cho bé trong những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, kết hợp các biện pháp dự phòng khác như đeo khẩu trang, cách ly người bệnh, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nơi ở, hạn chế đến nơi đông người...
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lây truyền qua đường hô hấp do hắt hơi, tiếp xúc gần với người nhiễm. Năm 2024, Bộ Y tế ghi nhận nhiều tỉnh, thành có số ca sởi tăng nhanh so với năm trước, như Đồng Nai với hơn 6.300 ca, TP HCM có hơn 4.700 ca, Bình Dương hơn 4.700 ca, Cà Mau hơn 2.400 ca. Toàn quốc ghi nhận hơn 38.000 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó hơn 6.700 trường hợp dương tính, tăng hơn 130 lần so với năm 2023. Đến nay, đã có 13 ca tử vong bao gồm trẻ em và người lớn.
Thanh Ba