Giới chức nhiều quốc gia Đông Nam Á đang siết chặt các biện pháp hạn chế và hy vọng các đợt phong tỏa có chủ đích sẽ ngăn tình trạng ca nhiễm và ca tử vong tăng cao, vốn bắt đầu từ tháng 5.
Indonesia, quốc gia đông dân nhất và vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, ngày 9/7 ghi nhận hơn 38.000 ca nhiễm trong 24 giờ qua, gấp gần 6 lần so với một tháng trước. Thêm hơn 870 ca tử vong tại Indonesia, gần gấp đôi so với mức tăng trong 24 giờ hồi đầu tháng 7.
Giới chức Indonesia ngày 9/7 áp lệnh hạn chế với 15 khu vực mới trên toàn quốc trong nỗ lực ngăn cuộc khủng hoảng xảy ra trên đảo Java, nơi các bệnh viện đang bị đẩy đến giới hạn và nguồn cung oxy cạn dần. 4 trong 5 khu nghĩa trang dành riêng cho người nhiễm nCoV qua đời tại thủ đô Jakarta gần hết chỗ.
Malaysia báo cáo thêm 9.180 ca nhiễm, mức tăng kỷ lục trong 24 giờ từ khi Covid-19 xuất hiện tại nước này. Giới chức Malaysia ban hành lệnh phong tỏa thủ đô Kuala Lumpur cùng vành đai công nghiệp.
Thái Lan ghi nhận thêm 9.276 ca nhiễm, buộc giới chức nước này siết các biện pháp hạn chế tại thủ đô Bangkok và 9 tỉnh khác, gồm lệnh giới nghiêm ban đêm, hạn chế đi lại và tụ tập đông người, đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh.
Myanmar ghi nhận số ca nhiễm và ca tử vong mới cao kỷ lục, lần lượt là 4.320 và 63. Campuchia thông báo thêm 988 ca nhiễm và 30 ca tử vong, cao nhất trong 9 ngày qua.
Các chuyên gia y tế nhận định tỷ lệ xét nghiệm thấp ở các quốc gia đông dân nhất là Indonesia và Philippines phần nào có thể che giấu mức độ bùng dịch. Trong khi đó, Myanmar gần như mất năng lực xét nghiệm vì khủng hoảng nổ ra sau khi quân đội tiếp quản quyền lực hồi tháng 2.
Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Griffith ở Australia, nhận định Đông Nam Á đang vật lộn đối phó với biến chủng Delta gốc Ấn Độ, thậm chí "trả giá cho những mâu thuẫn trong chiến lược, thông điệp và thực thi các giao thức chống dịch".
"Trong việc xử lý đại dịch ở quy mô lớn hơn, vaccine không phải biện pháp duy nhất", Budiman cho biết. "Cần đa dạng hóa nguồn cung vaccine và các nguồn lực".
Tỷ lệ tiêm chủng tại Đông Nam Á vẫn ở mức thấp. Số người được tiêm đủ liệu trình tại Indonesia chiếm 5,4% dân số, tại Malaysia là 9,3%, Thái Lan là 4,7% và Philippines là 2,7%. Indonesia và Thái Lan ngày 9/7 thông báo sẽ tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 dùng công nghệ mRNA cho các nhân viên y tế trong bối cảnh lo ngại các biến chủng nCoV mới có khả năng kháng vaccine.
Trong khi đó, giới chức Singapore là điểm sáng hiếm hoi của khu vực khi sắp nới lỏng lệnh hạn chế và dự kiến hoàn thành tiêm chủng cho một nửa dân số vào cuối tháng 7.
Alex Cook, chuyên gia tại Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết "cần tăng gấp đôi nỗ lực toàn cầu trong triển khai vaccine công bằng nhằm đảm bảo người có nguy cơ mắc bệnh cao ở các quốc gia thu nhập thấp hơn cũng có thể được bảo vệ".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)