Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã chính thức hoạt động từ ngày 12/10.
Tại họp báo chiều 17/10, trả lời báo chí việc nâng cấp Cục Quản lý thị trường lên Tổng cục trong bối cảnh Bộ Công Thương đang tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy hành chính, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, trước khi cơ quan này lập Tổng cục Quản lý thị trường, ngành này có 63 đầu mối Chi cục quản lý thị trường địa phương. Nhưng theo quy định cơ cấu lại thì cơ quan đầu mối trước đây là Cục sẽ được giữ gọn và sẽ giảm 63 đầu mối còn 38.
"Tổng biên chế cho tổng cục không tăng mà còn giảm, do giảm đầu mối các đầu mối địa phương liên tỉnh", ông Hải nhấn mạnh.
Nói thêm, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, biên chế nói chung cho lực lượng quản lý thị trường sẽ không tăng, nhất là tại địa phương sẽ giảm đi do chuyển lực lượng này trước đây vốn thuộc địa phương về các Cục và Tổng cục.
Ông cũng nhắc lại mục tiêu lập Tổng cục Quản lý thị trường để đáp ứng nhu cầu đấu tranh chống buôn lậu cùng với việc gian lận thương mại đang diễn ra phức tạp và phổ biến.
"Gian lận thương mại và buôn lậu diễn ra liên tỉnh, liên vùng, nên thực tế đòi hỏi phải tổ chức lại bộ máy quản lý để phản ánh kịp thời. Với hành vi lan tỏa lan nhanh, vi phạm xuyên biên giới trong khi mô hình của ta hơn 60 năm nay cắt khúc nên đòi hỏi có lực lượng mới, thay đổi tư duy chống buôn lậu và gian lận thương mại", ông Linh nói.
Ngoài ra, trong đấu tranh chống buôn lậu, lực lượng quản lý thị trường là chủ công, phối hợp lực lượng khác. Do đó, để đảm bảo có sự phối hợp liên ngành thì cần kiện toàn ngành dọc để phối hợp tốt hơn.
Vì vậy, tân Tổng cục trưởng nhấn mạnh, Bộ Công Thương đang trong quá trình tinh giản, sắp xếp lại bộ máy nhưng "thực tiễn đòi hỏi, cần thiết thì vẫn phải lập Tổng cục Quản lý thị trường".
Anh Minh