Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 34/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, thuộc Bộ Công Thương. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường có Tổng cục trưởng và không quá 4 Phó tổng cục trưởng. Tổng cục trưởng, Phó tổng cục trưởng do Bộ trưởng Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của pháp luật.
Theo đề án sau khi lập Tổng cục, 305 Đội và 25 Cục quản lý thị trường cấp tỉnh sẽ được thu gọn, sắp xếp lại. Riêng năm 2019, mục tiêu kiện toàn 38 cơ quan quản lý thị trường cấp tỉnh thành 19 cơ quan liên tỉnh, thành phố.
Tổ chức quản lý thị trường ở trung ương gồm Văn phòng Tổng cục và 4 Vụ (Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính; Vụ Chính sách - Pháp chế; Vụ Thanh tra - Kiểm tra) và Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường.
Điểm mới nhất ở sự thay đổi, cơ cấu lần này là quản lý thị trường sẽ được tổ chức theo ngành dọc. Cụ thể, khác với trước do địa phương quản lý, tới đây các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố sẽ chịu quản lý trực tiếp của Tổng cục. Đội quản lý thị trường cấp huyện, quận... trực thuộc Cục cấp tỉnh, thành phố quản lý.
Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và Đội quản lý thị trường cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Về chức năng, Tổng cục sẽ tham mưu, giúp Bộ trưởng Công Thương quản lý và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Cơ quan này có nhiệm vụ thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật, phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, Tổng cục sẽ kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lực lượng quản lý thị trường theo quy định của pháp luật...
Tổng cục Quản lý thị trường cũng có nhiệm vụ soạn thảo và trình cấp có thẩm quyền các quyết định, nghị quyết liên quan tới tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách với lực lượng quản lý thị trường...
Tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành diễn ra đầu tháng 8, không ít cán bộ quản lý thị trường tỏ ra băn khoăn, phân tâm trước tin Cục Quản lý thị trường sẽ "nâng cấp" lên thành Tổng cục. "Lập Tổng cục là tin vui nhưng anh em cán bộ, công chức rất phân tâm, trăn trở việc sáp nhập", ông Cao Xuân Luật - Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh nói.
Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cũng lo lực lượng tại địa phương sẽ không còn được tạo điều kiện vật chất, hỗ trợ từ địa phương sau khi về với Tổng cục.
Chia sẻ tâm tư này, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải trấn an, mục đích cơ cấu, tổ chức lại bộ máy quản lý thị trường không gì khác là tăng cường chức năng phối hợp, làm tốt hơn, hiệu quả công tác chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Ông Hải cũng khẳng định, việc lập Tổng cục không phải “nâng cơ học” từ Cục quản lý thị trường.
Anh Minh