Hai bức ảnh chụp Tổng thống Joe Biden tuần này đã phần nào cho thấy cuộc chiến ở Nhà Trắng để xử lý cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Trong bức ảnh đầu tiên, Biden mặc áo phông, ngồi một mình ở phòng họp tại Trại David, nhìn chằm chằm lên màn hình trực tuyến, xung quanh là 18 chiếc ghế da không có người ngồi. Ba ngày sau, khi Biden trở lại Nhà Trắng, bức ảnh đã khác đi nhiều. Ông trong bộ vest ngồi tại Phòng Tình huống, khuôn mặt cau có nhìn về phía các thành viên đội ngũ an ninh quốc gia của mình, trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Afghanistan.
Biden đang đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt, thậm chí từ chính những đồng minh đáng tin cậy nhất của ông ở trong và ngoài nước, về cách xử lý cuộc chiến Afghanistan. Biden tuyên bố ông bảo vệ quyết định rút quân và khẳng định người dân Mỹ ủng hộ ông.
Trong khi đó, Nhà Trắng phải chạy đua để giải thích về tình hình hỗn loạn ở Afghanistan thông qua họp báo, bài phát biểu hay phỏng vấn, khi đối mặt nguy cơ tình hình Afghanistan có thể trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ trong nhiệm kỳ của Biden.
Các quan chức của chính quyền đã tìm cách hướng chú ý tới nhiều vấn đề khác, như thông báo kế hoạch tiêm vaccine tăng cường và nhấn mạnh Biden đang tập trung cho chương trình nghị sự trong nước, trong đó có dự luật cơ sở hạ tầng mới.
Trợ lý của Biden vẫn tin rằng đại đa số công chúng Mỹ ủng hộ quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống và tin vào lời giải thích của ông rằng không bao giờ có thời điểm tốt nhất để chấm dứt chiến tranh. Họ cũng tìm cách làm nổi bật những thành tựu khác trong tuần này, như số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục giảm xuống mức thấp mới và tỷ lệ tiêm chủng tăng trở lại, sau khi bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng Afghanistan.
Tuy nhiên, cho đến nay, những nỗ lực của chính quyền Biden không đủ xoa dịu các câu hỏi về việc liệu ông có đánh giá đúng tình hình ở Afghanistan hay không. Nó đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới những nỗ lực xây dựng hình ảnh của Biden. Việc ông cho rằng hỗn loạn ở Afghanistan là không tránh khỏi và đổ lỗi cho quân đội nước này trái ngược với xu hướng đồng cảm, được xem như đặc điểm chính trị nổi bật của Biden.
"Năng lực của chúng tôi đang bị nghi ngờ", một quan chức của chính quyền Biden thừa nhận. Tuy nhiên, người này nhấn mạnh chính quyền đang tập trung "nhìn về phía trước, chứ không ngoái lại phía sau".
Một số quan chức cấp cao Nhà Trắng cũng tỏ ra cảnh giác với những mô tả về sự sụp đổ nhanh chóng của Kabul là "thất bại tình báo", dù thừa nhận họ không lường trước cuộc tấn công của Taliban nhanh đến vậy. Một số quan chức cấp cao cũng cho biết không có kế hoạch sa thải hay từ chức liên quan tới cuộc khủng hoảng Afghanistan như một số nhà chỉ trích đề xuất.
Bên ngoài Nhà Trắng, làn sóng chỉ trích vẫn chưa lắng dịu. Jason Crow, nghị sĩ Dân chủ của bang Colorado và là người từng làm việc ở Afghanistan, nói chính quyền phải trả lời câu hỏi tại sao việc sơ tán công dân Mỹ và các đồng minh Afghanistan không bắt đầu ngay từ đầu hè, trước khi Taliban tấn công.
"Tôi đang cố tìm hiểu kế hoạch của họ là gì? Chúng tôi đã có thể làm tốt hơn rất nhiều", Crow nói.
Hôm 19/8, khi được hỏi có bao nhiêu công dân Mỹ còn ở Afghanistan, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby thẳng thắn thừa nhận "tôi không biết", trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng không thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi tương tự.
Biden đã không có bất kỳ cuộc điện đàm nào với người đồng cấp nước ngoài trong vòng 48 tiếng sau khi Kabul rơi vào tay Taliban. Ông sau đó điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 17/8, với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 18/8 và dự kiến trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào cuối tuần này. Ông cũng phải đối mặt với tất cả lãnh đạo nhóm G7 trong phiên họp trực tuyến tuần tới về tình hình khẩn cấp ở Afghanistan.
Giống như Biden, những lãnh đạo này cũng đang chạy đua để giải cứu những người Afghanistan từng hỗ trợ cuộc chiến, như thông dịch viên hay lính gác. Hàng nghìn người Afghanistan ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Mỹ vẫn gặp những rắc rối về thủ tục hành chính và không thể hưởng lợi từ cam kết của Mỹ về việc rời đi an toàn.
Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, người đã chạy tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sau khi Taliban áp sát Kabul, đã đề nghị Biden hoãn cuộc sơ tán hàng loạt vào đầu tuần này, vì lo ngại nó có thể làm xói mòn niềm tin vào chính phủ của ông.
Họ cũng chỉ ra những rào cản khác đã làm chậm quá trình xử lý thị thực nhập cư đặc biệt (SIV), trong đó có đợt bùng phát Covid-19 tại đại sứ quán Mỹ ở Kabul. Một quan chức cho biết phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jonathan Finer đã chủ trì 11 cuộc họp về SIV từ ngày 13/4 tới ngày 6/8.
Tuy nhiên, tình trạng đình trệ đã gây ra nhiều thất vọng, đặc biệt khi hình ảnh người Afghanistan tuyệt vọng, vây kín sân bay Kabul và máy bay Mỹ với hy vọng trốn thoát khỏi Taliban, tràn ngập trên truyền thông.
Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục các cuộc đàm phán cấp cao với Taliban ở Doha, Qatar như thường lệ, những cuộc trao đổi thực sự giữa hai bên lại diễn ra ngay tại thủ đô Kabul hỗn loạn trong những ngày gần đây.
Đô đốc Peter Vasely, chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại Afghanistan, đã dẫn đầu nỗ lực đàm phán với Taliban để duy trì an ninh tại sân bay Kabul, đồng thời đảm bảo sơ tán an toàn cho những người Mỹ và người Afghanistan.
Các cuộc đàm phán đã mang lại những kết quả khác nhau. Quân đội Mỹ đã đảm bảo được an ninh sân bay với các chuyến bay di tản cất cánh thành công. Tuy nhiên, đại sứ quán Mỹ cảnh báo họ không thể đảm bảo lộ trình an toàn tới sân bay cho người Mỹ, trong khi nhiều người Afghanistan đã bị hành hung hoặc đe dọa vì cố tìm đường đến sân bay.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết dù Mỹ đã có những kênh trao đổi với Taliban, họ không rõ liệu những chỉ thị có được truyền tải chính xác từ cấp chỉ huy xuống dưới hay không.
"Cơ cấu chỉ huy của Taliban không hoàn hảo", một nhà ngoại giao nói, cho rằng đó là lý do khiến nhiều thỏa thuận được các lãnh đạo đàm phán có thể không được chuyển tới các thành viên của lực lượng này.
Cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan John Bass cũng được phái đến Kabul để giúp khôi phục trật tự xung quanh sân bay, đảm bảo người Mỹ có thể sơ tán an toàn, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Các nhà lập pháp hy vọng Bass có thể giúp giải quyết một số vấn đề về ngoại giao với Taliban mà không cần điều thêm lực lượng đặc nhiệm bên ngoài sân bay.
Giải thích về lý do không thể triển khai lực lượng vượt ra ngoài phạm vi sân bay để sơ tán người Mỹ, các quan chức quốc phòng của chính quyền Biden nói họ không thể mạo hiểm. Taliban đã thiết lập nhiều trạm kiểm soát xung quanh thành phố 6 triệu dân, cũng như bên ngoài sân bay, đồng thời đe dọa và thậm chí đánh đập những người Afghanistan muốn vượt ranh giới đó.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby ngày 19/8 cho biết Đô đốc Vasely đã liên lạc với một chỉ huy Taliban đóng bên ngoài sân bay ít nhất một lần mỗi ngày để đảm bảo lối đi an toàn cho người cần sơ tán. Những cuộc trao đổi này dự kiến cho phép tiếp tục các hoạt động sơ tán, miễn là lực lượng Mỹ không tiến vào thành phố và can thiệp việc kiểm soát của Taliban.
Mỹ không có kế hoạch mở rộng hiện diện quân sự ở Kabul cho đến nay, đồng thời Taliban cũng không có ý định tiếp cận sân bay, theo Kirby.
"Họ hiểu tại sao chúng tôi ở đó và những gì chúng tôi đang làm", ông nói. "Chúng tôi đã có thể thiết lập những kiểu trao đổi như vậy với họ".
Một trong những câu hỏi quan trọng xuyên suốt các cuộc đàm phán là thời gian Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở Afghanistan. Biden đã trả lời "có"' khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn với ABC rằng liệu ông có cam kết triển khai quân đội ở lại cho tới khi tất cả người Mỹ được rời đi hay không. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu Taliban có thể chấp nhận hiện diện quân sự lớn của Mỹ ở sân bay Kabul thêm bao lâu.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đầu tuần này nói thời gian quân Mỹ ở lại Kabul đang được thảo luận với Taliban, dù không cung cấp thông tin chi tiết.
Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao cho biết Mỹ có những con bài để tiếp tục "mặc cả" với Taliban, như việc Bộ Tài chính Mỹ đóng băng hàng tỷ đôla trong các tổ chức tài chính Mỹ và ngăn Afghanistan tiếp cận nguồn tiền của Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể trở thành vấn đề then chốt để duy trì hợp tác với Taliban trong chiến dịch di tản.
"Đó chắc chắn là đòn bẩy", một quan chức cho biết.
Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh cũng có thể có các công cụ khác để trao đổi với Taliban như sự công nhận quốc tế chính thức và viện trợ nhân đạo, theo các nhà ngoại giao.
Thanh Tâm (Theo CNN)