Quang Liêm không chỉ đạt thành tích cá nhân tốt nhất tại Champions Chess Tour, còn lập kỷ lục tại hệ thống giải cờ nhanh danh giá này nhờ vào cách tiếp cận mới mẻ. Tại chặng đầu tiên của Tour mùa này, Airthings Masters tháng 2, Quang Liêm chỉ có chín ván kết thúc với thời gian còn nhiều hơn đối thủ, trên 19 ván. Tỷ lệ đạt 47%, một con số trung bình.
Tại Charity Cup, tỷ lệ này tăng lên tới 95%, với 18 trên 19 ván còn nhiều thời gian hơn đối thủ. Có tới 13 ván Quang Liêm còn nhiều hơn đối thủ ít nhất hai lần thời lượng còn lại. Và số ván anh nhiều hơn gấp ba lần thời lượng của đối thủ cũng lên tới 47%. Các đối thủ cũng mới có một ván còn nhiều hơn 5 phút, còn với Quang Liêm con số này lên tới chín ván.
Sự áp đảo về thời gian của Quang Liêm tỷ lệ thuận tới thành tích anh đạt được. Sau 19 ván, kỳ thủ số một Việt Nam thắng 11, hoà sáu và thua hai ván. Với 32 trên 45 điểm tối đa ở vòng bảng, anh lập kỷ lục giải đấu. Ở tứ kết, Quang Liêm tiếp tục duy trì lối chơi nhanh để hạ David Navara 2,5-1,5. Trong đó có hai ván Quang Liêm còn tới hơn 9 phút. Cả hai ván này anh đều thắng hoặc đạt ưu thế thắng khi kết thúc.
Lối đánh của Quang Liêm tại Charity Cup tạo liên tưởng tới á quân thế giới Ian Nepomniachtchi. Kỳ thủ Nga cũng nổi tiếng với lối chơi nhanh, như đã thể hiện khi anh đứng đầu vòng bảng Airthings Masters.
Trong cờ nhanh, thời gian là yếu tố then chốt. Thời gian cho mỗi bên là 15 phút, thêm 10 giây sau mỗi nước đi. Giả sử mỗi ván kéo dài trung bình 40 nước cờ, thời gian để kỳ thủ suy nghĩ cho một nước là 32,5 giây. Nhưng Quang Liêm chỉ dùng trung bình 24,2 giây cho mỗi nước đi, còn đối thủ dùng trung bình 29,5 giây.
Các kỳ thủ thường được dạy phải tận dụng tốt quỹ thời gian, để tránh sai lầm không đáng có. Chẳng hạn trong trường hợp này các đối thủ của Quang Liêm nghĩ lâu hơn anh trung bình năm giây cho mỗi nước cờ, và gần với mốc giới hạn 32,5 giây hơn. Miễn là không vượt qua giới hạn, nghĩ lâu không bao giờ là thừa. Nhưng Quang Liêm đã chứng minh rằng đi nhanh cũng không phải là sai lầm.
"Sự tự tin là yếu tố then chốt, đặc biệt trong cờ nhanh", Quang Liêm nói sau chiến thắng tại tứ kết sáng 24/3. "Nếu không tự tin, bạn sẽ nghĩ đi nghĩ lại và lãng phí thời gian quý giá. Trong cờ nhanh, chúng ta không cần lúc nào cũng phải đi những nước tốt nhất, mà cần đi những nước hợp lý nhất".
Trong cờ tiêu chuẩn, chẳng hạn tại FIDE Grand Prix đang diễn ra ở Berlin, mỗi kỳ thủ có trung bình 2 phút 45 giây cho một nước đi, gấp năm lần thời gian suy nghĩ trong cờ nhanh.
Một kỳ thủ ở đẳng cấp cao luôn nảy ra trong đầu một vài nước cờ hợp lý trong mọi tình huống. Trong cờ tiêu chuẩn, họ sẽ tính toán từng lựa chọn này để tìm ra phương án tốt nhất. Còn trong cờ nhanh, thời gian đôi khi không đủ để họ tìm được nước cờ tối ưu. Khi đó, họ sẽ phải tin tưởng vào trực giác, về nước cờ mà họ cho rằng hợp lý nhất.
Quang Liêm không lãng phí thời gian vào những tình huống quá phức tạp, mà tin tưởng vào trực giác. Chẳng hạn ở ván 5 vòng bảng gặp Gawain Jones, anh chỉ dùng trung bình 15,2 giây cho mỗi nước đi, nhưng vẫn thắng với đòn doạ chiếu hết.
Lối đánh nhanh có ưu điểm là giúp kỳ thủ tự tin hơn, do luôn còn nhiều thời gian hơn đối thủ. Tức là khi cảm thấy đối thủ đi nước yếu, Quang Liêm có thể tận dụng thời gian để tìm cách trừng phạt họ. Anh sẽ không làm được điều này nếu gần cạn thời gian. Tất nhiên anh cũng hiểu rằng điều này cũng đúng với đối thủ, ngay cả với Vua cờ .
Chẳng hạn ở ván 13 gặp Magnus Carlsen, anh thoát thua khi Vua cờ phải thực hiện nước đi quan trọng khi đồng hồ chỉ còn 3 giây. Và nước cờ đó là sai lầm khiến nhà vô địch thế giới đánh rơi chiến thắng. Nếu có nhiều thời gian hơn chút, Carlsen khó có thể bỏ lỡ cơ hội như thế.
Khi đấu cờ nhanh, các kỳ thủ sẽ để ý đồng hồ nhiều hơn. Khi thấy thời gian còn nhiều hơn, họ sẽ tự tin hơn. Còn khi thời gian ít hơn, họ sẽ phần nào cảm thấy lúng túng, và chịu chút áp lực phải đánh nhanh hơn. Đó là quan điểm của kỳ thủ cờ chớp số một thế giới Hikaru Nakamura.
Tất nhiên, kỳ thủ phải đạt trình độ nhất định mới có thể tự tin đánh nhanh như vậy. Quang Liêm từng vô địch cờ chớp thế giới năm 2013, và được các bình luận viên Champions Chess Tour gọi là "chuyên gia cờ tốc độ". Đó là lý do anh có thể tin tưởng vào trực giác của bản thân.
Một yếu tố khác giúp Quang Liêm tiết kiệm thời gian cho giải này là anh chỉ dùng một khai cuộc khi cầm quân trắng, đó là Gambit Hậu. Còn khi cầm quân đen, anh thường dùng Phòng thủ hai mã. Sử dụng khai cuộc quen thuộc giúp anh bớt được chút thời gian nhớ lại các biến phức tạp.
Kỳ thủ người TP HCM không ngờ rằng anh lại thành công đến vậy ở giải này, khi vừa bận chuẩn bị giải đấu cho các sinh viên tại trường Webster, vừa phải thi đấu. Anh đang trình diễn ấn tượng nhất lịch sử giải đấu, và có cơ hội lớn để lần đầu dự một chặng chính của Champions Chess Tour. Và màn thể hiện của Quang Liêm sẽ giúp anh được đánh giá cao hơn và có thêm cơ hội cọ xát với những kỳ thủ hàng đầu.
Champions Chess Tour chỉ diễn ra trực tuyến, nhưng bất cứ giải nào có Vua cờ Carlsen đều được coi là "siêu giải". Và bất cứ kỳ thủ nào khiến Carlsen phải đập bàn tức giận cũng đáng được ngợi khen.
Xuân Bình