1. Coi sai lầm là cơ hội
Viết bằng ngoại ngữ là điều không dễ nên không tránh khỏi mắc lỗi. Một số người sẽ cảm thấy mất động lực, xấu hổ vì sai phạm nhưng tôi cố gắng không để chúng ngáng chân mình. Tôi luôn tự nhủ khi viết bằng tiếng mẹ đẻ tôi còn viết sai huống chi là những ngôn ngữ xa lạ đang từ từ luyện tập.
Khi mắc lỗi, hãy giải thích tại sao bạn sai, thậm chí ghi chú lại những lỗi bạn vẫn mắc theo thói quen để điều chỉnh. Bạn hãy cố gắng không mắc lại những sai lầm cũ càng nhiều càng tốt.
2. Sử dụng ứng dụng kiểm tra
Làm thế nào để nhận biết sai lầm và học từ nó? Sau khi viết, tôi thường sử dụng ứng dụng kiểm tra ngữ pháp, chính tả như Grammarly kiểm tra tiếng Anh. Tôi dùng ứng dụng này kiểm tra ngay cả những câu viết ngắn để các lỗi sai không ghi sâu vào trí não, biến thành thói quen khó bỏ. Với các ngôn ngữ khác, bạn có thể cài đặt bàn phím điện thoại bằng ngôn ngữ mục tiêu.
3. Suy nghĩ bằng ngoại ngữ khi viết
Một trong những lỗi sai phổ biến của người học ngoại ngữ là chuyển hóa suy nghĩ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngôn ngữ mục tiêu khi viết. Để tránh thói quen này, tôi dành nhiều thời gian luyện viết và không sốt sắng khi luyện tập.
Không chỉ trong viết, ở các kỹ năng khác như nghe, đọc, viết, tôi cũng cố gắng suy nghĩ bằng ngôn ngữ mục tiêu.
4. Đọc tài liệu nước ngoài
Đọc bằng ngôn ngữ mục tiêu giúp tôi tích luỹ vốn từ, học cách sử dụng câu để áp dụng vào viết lách. Khi học ngôn ngữ mới, tôi cố gắng đọc tất cả mọi thứ có thể tìm thấy từ sách báo, thơ, bản nhạc đến hướng dẫn sử dụng, biển quảng cáo.
Trong trường hợp này, việc nghe audiobook sẽ không hiệu quả. Bạn cần đọc tài liệu được viết ra để nhìn rõ từng dấu chấm phẩy, cách viết hoa, ngắt dòng. Bởi vì để viết đúng không chỉ là việc sử dụng đúng từ ngữ mà còn cần sử dụng đúng các quy tắc chính tả, dấu câu.
Tài liệu tốt nhất là sách hoặc bài báo. Với sách, bạn sẽ học được nhiều mẫu câu từ đơn giản đến cầu kỳ trong khi từ các bài báo, bạn sẽ học được cách lập luận với ngôn ngữ phù hợp với số đông.
Khi đọc tài liệu nước ngoài, tôi có thói quen ghi chép lại những thành ngữ vì chúng giúp câu văn trở nên tự nhiên hơn. Chẳng hạn, khi muốn chúc người khác may mắn bằng tiếng Italy, bạn có thể dùng thành ngữ "In bocca al lupo", nghĩa đen là trong miệng một con sói.
5. Sổ từ
Nếu tổng hợp thành ngữ như tôi nói ở trên, bạn nên chuẩn bị cuốn sổ tay hoặc phần mềm ghi chú trên điện thoại. Bạn nên chia các từ, thành ngữ mới học được theo chủ đề đề việc ôn tập có hệ thống.
6. Học ngữ pháp
Khi học ngôn ngữ mới, tôi thường không đặt nặng vấn đề ngữ pháp mà tập trung vào nghe, nói. Những lỗi ngữ pháp trong giao tiếp thường không phải vấn đề lớn nhưng khi chuyển sang viết, ngữ pháp đóng vai trò quan trọng.
Vì vậy, sau khi có thể giao tiếp cơ bản, tôi chuyển trọng tâm sang học ngữ pháp. Tôi khuyên bạn nên học từ sách bài tập ngữ pháp. Ví dụ, tôi bắt đầu với bộ sách Practice Makes Perfect của tác giả McGraw Hill, giúp luyện tập nhiều ngôn ngữ.
7. Nhờ người bản ngữ sửa bài viết
Dù viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ hay ngoại ngữ, tôi luôn nhờ những người có khả năng kiểm tra và nhận xét bài viết của mình. Ngay cả những nhà văn nổi tiếng cũng cần biên tập viên giúp họ xem xét các lỗi sai.
Vì vậy, bên cạnh ứng dụng kiểm tra, người bản ngữ sẽ giúp bạn trau dồi kỹ năng viết. Nếu bạn đạt trình độ cao trong ngoại ngữ, đừng quên nhờ người nước ngoài kiểm tra vì họ làm chủ ngôn ngữ tốt hơn người đang học.
Tôi thường sử dụng phần mềm Italki. Đầu tiên, tôi viết những đoạn văn ngắn và chia sẻ trên diễn đàn về ngôn ngữ mục tiêu. Người bản ngữ có thể vào đọc và để lại phản hồi hữu ích giúp bạn sửa bài viết.
Tú Anh (Theo Medium)