Steve Kaufmann, hiện thông thạo 16 thứ tiếng, chia sẻ về phương pháp học của mình, có thể áp dụng với mọi ngôn ngữ.
Người học giỏi ngoại ngữ có thể nắm bắt mọi hình thái của ngôn ngữ bao gồm: âm thanh, cấu trúc, từ vựng. Họ có thể sử dụng nhuần nhuyễn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Khi còn nhỏ, tôi đã tự hỏi: "Làm thế nào có thể sử dụng ngôn ngữ điêu luyện như họ?" và câu hỏi này thôi thúc tôi tự trải nghiệm để tìm ra đáp án.
Khi bắt đầu học ngoại ngữ, tôi chú ý đến những phương pháp dạy truyền thống và nhận ra người học tập trung vào ngữ pháp, bắt chước cách phát âm của giáo viên và làm nhiều bài tập. Tôi thấy họ bị căng thẳng, áp lực với phương pháp này và sự tiến bộ thường chậm. Khi thử áp dụng theo, tôi không thể ghi nhớ các quy tắc ngữ pháp, không thực sự hiểu cách dùng ngôn ngữ.
Trái lại, tôi tìm thấy niềm vui học ngoại ngữ bằng phương pháp nghe, đọc. Các hoạt động này không chỉ khiến tôi yêu thích ngôn ngữ mình đang học mà còn giữ động lực suốt hành trình. Dưới đây là năm phương pháp học ngoại ngữ bằng cách nghe, đọc mà tôi thường sử dụng.
1. Nghe lặp đi lặp lại
Với mỗi tài liệu chứa âm thanh, tôi thường nghe nhiều hơn một lần, đặc biệt trong giai đoạn mới học. Có những tài liệu, tôi nghe 10 lần trở lên vì nhiều đoạn, tôi không nghe rõ dù đã tra cứu và muốn nghe hiểu không sót một từ nào.
Nỗ lực kiểm soát các từ khóa giúp tôi xây dựng sự tập trung cao độ và thái độ nghiêm túc với việc học ngoại ngữ. Dần dần, tôi có thể hiểu rõ các từ mới, củng cố kiến thức đã biết. Nhờ nghe liên tục một tài liệu, những ngôn từ xa lạ trở nên rõ ràng hơn.
2. Nghe tốc độ nhanh và chậm
Trong những lần lặp đi lặp lại, tôi không nghe ở cùng một tốc độ. Với lần nghe đầu tiên, tôi chọn tốc độ bình thường. Sau đó, tôi giảm tốc độ xuống để nghe một cách chậm rãi, cẩn trọng. Những lần nghe chậm này giúp tôi chú ý hơn đến những đoạn không rõ hoặc chưa chắc chắn nội dung. Bạn có thể sử dụng phần mềm giảm chỉnh sửa âm thanh Audacity để thay đổi tốc độ tài liệu nếu chúng không có trên Internet.
Sau khi nghe chậm, tôi sẽ chuyển sang nghe tốc độ nhanh vì thông thường, người bản xứ nói nhanh. Người học sẽ không thể theo kịp khi trò chuyện nếu chưa làm quen từ trước.
3. Nghe nhiều tài liệu về một chủ đề
Sau khi nghe về một chủ đề bất kỳ, tôi sẽ tìm thêm những tài liệu liên quan đến chủ đề này để theo dõi tiếp. Phương pháp này giúp tôi mở rộng kiến thức ở một đề tài, học cách sử dụng từ, cấu trúc trong nhiều bối cảnh.
4. Sử dụng ngoại ngữ
Sau khi nghe, bạn đã nắm trong tay một vài kiến thức về ngoại ngữ đang học. Việc tiếp theo cần làm là học cách sử dụng để biến chúng thành kiến thức của bạn. Tôi thường áp dụng từ vựng, cấu trúc học được khi nghe vào việc luyện nói, đọc và viết.
Thời gian đầu, tôi thường xuyên mắc lỗi phát âm, ngữ pháp vì chưa nắm chắc ngôn ngữ học. Vì vậy, tôi thường kiểm tra lại các lỗi sai sau khi phát âm hoặc sử dụng từ, cấu trúc mới. Đừng bỏ cuộc khi mắc lỗi vì bạn đang học một ngôn ngữ hoàn toàn mới, thậm chí với ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn còn không thể chắc chắn sử dụng chính xác 100%. Điều quan trọng không phải là bạn mắc lỗi mà là bạn có thể sửa đổi chúng hay không.
5. Đánh dấu sách
Một phương pháp khác tôi cũng rất yêu thích là đánh dấu những từ, cấu trúc mới trong sách ngoại văn. Tôi thích đọc sách nên khi học ngoại ngữ thường tìm đọc sách của ngôn ngữ mục tiêu vừa để cải thiện khả năng vừa duy trì thói quen.
Sách ngoại văn là nguồn tài liệu học rất hữu ích và giá trị. Khi đọc, tôi gạch chân những từ, cấu trúc mới. Sau khi kết thúc một chương, tôi quay lại tìm nghĩa các đoạn đã gạch chân và ghi chép vào sổ tay để sử dụng trong những bối cảnh khác.
Tú Anh (Theo Huffpost)