Nguyễn Thị Minh Hòa, 23 tuổi, quê Hải Phòng, trở thành sinh viên đầu tiên của Ngoại thương ra trường với điểm tuyệt đối. Hòa thường được sinh viên khóa dưới xin lời khuyên học tập.
Cô cho rằng yếu tố đầu tiên quyết định kết quả tại trường đại học là sự chủ động. Minh Hòa cũng từng choáng ngợp khi trở thành tân sinh viên, cảm thấy cách học khác xa với thời phổ thông. Cô bắt đầu vạch ra mục tiêu cho mình vì luôn tâm niệm "dù muốn đạt học bổng hay chỉ cần qua môn thì cũng phải có đích đến".
Kế đó, Hòa chủ động liên lạc với những anh chị khóa trên và các giảng viên mình cảm thấy hợp. Cô nghĩ việc "tự bơi" không xấu, nhưng nếu có người chia sẻ kinh nghiệm, nguồn học liệu và phong cách giảng dạy của từng thầy cô, quá trình học tập sẽ bớt vất vả hơn. Lời khuyên của những người đi trước hữu ích với Hòa không chỉ trong việc học nên cô vẫn duy trì thói quen này khi đã ra trường.
Cô gái sinh năm 1998 nhận định, sinh viên muốn đạt kết quả tốt cần biết cách tạo ra ưu thế hơn cho chính mình. Mỗi bài tập nhóm, cô thường chủ động đảm nhận vị trí "leader". Tuy nhiệm vụ và trách nhiệm cao hơn, đổi lại, Hòa sẽ có cơ hội đạt điểm tốt. So với lớp phổ thông chỉ khoảng 30-50 học sinh, giảng đường đại học rộng hơn nhiều lần. Để đảm bảo mình không bỏ lỡ slide nào hay các phần thầy cô viết thêm trên bảng, Hòa thường ngồi bàn 1-3.
Trong bốn năm học, không phải lúc nào Hòa cũng nhận điểm tốt. Với môn Pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại, điểm chuyên cần và giữa kỳ của cô đều không cao. Cảm thấy mình gần như không thể đạt 9,5 hay 10 điểm cuối kỳ để kéo tổng kết lên loại A, Hòa chủ động xin giảng viên làm thêm tiểu luận để cải thiện điểm giữa kỳ. "Trước khi bắt đầu môn học, thường giảng viên sẽ thông báo các chính sách để lấy điểm cộng. Ở môn này, mình nhớ thầy từng nói sẽ cộng điểm cho sinh viên hay phát biểu hoặc làm tiểu luận. Mình biết nhiều bạn sẽ chọn phát biểu, tỷ lệ cạnh tranh cao nên đã xin làm tiểu luận", Hòa nói.
Thủ khoa Đại học Ngoại thương cho rằng vai trò của nhóm bạn học tập ở thời đại học rất quan trọng. Trong quá trình học, nhiều môn yêu cầu làm bài tập nhóm nên rất cần một đội với những thành viên hiểu ý và có thể hỗ trợ lẫn nhau. Bốn năm đại học, nhiều lần Hòa mất tinh thần, cũng có lúc thấy chán học. Sự động viên và hỗ trợ của nhóm bạn giúp Hòa có động lực để tiếp tục giữ phong độ học tập.
Trước mỗi môn thi, vì tham gia nhiều hoạt động và câu lạc bộ, Minh Hòa không dành quá nhiều thời gian ôn tập. Cảm thấy mình có thể học hiệu quả dưới áp lực, cô thường để 2-3 ngày trước thi để học, không ngại thức đêm. Tuy nhiên, để làm được điều này, Hòa ghi chép tương đối kỹ, đánh dấu các ý chính ngay tại lớp để lúc ôn tập đỡ vất vả.
Với những môn lý luận, sinh viên không nên cố viết dài, bôi chữ mà cần gạch ý rõ ràng. Hòa sẽ nêu những luận điểm chính của bài trước, sau đó mới phân tích. Ngoài ra, cô thường dùng bút nước khi đi thi, tránh việc bị mất nét khi viết ngoáy giống như bút bi. "Mình nghĩ bút nước cũng sẽ giúp bài của bạn trông nổi bật, sáng sủa. Những bạn nào chữ không đẹp thì luôn cần giữ giấy sạch sẽ, việc này giúp người chấm dễ theo dõi, cho điểm", Hòa nói.
Tại thời điểm học, Hòa không đánh giá được hết vai trò của yếu tố sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, khi đã ra trường, đi làm, cô cho rằng mình may mắn khi thời sinh viên đã tìm được cách để giải tỏa áp lực của bản thân. Những lúc bị mất động lực học hay gặp chuyện buồn, cô viết nhật ký hoặc chia sẻ với bạn bè, gia đình.
Để cân bằng, Hòa cũng tham gia tình nguyện, nghiên cứu khoa học và các thuộc thi chuyên ngành. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp cô giành học bổng xuất sắc cả 7 kỳ học. Cuối năm ba, Hòa giành học bổng AIMS dành cho sinh viên Đông Nam Á, đến Hàn Quốc học trao đổi trong bốn tháng. Do đó, cô có 7 kỳ học tại Ngoại thương.
Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, đại diện khoa Kinh tế Đối ngoại, trường Đại học Ngoại thương bày tỏ sự tự hào với những thành tích của Minh Hòa. Cô cũng là sinh viên được chọn để phát biểu trong lễ tốt nghiệp của trường năm 2020.
Thanh Hằng