Ở vòng chung kết toàn cầu cuộc thi "Sáng tạo kinh doanh xã hội" (Social Business Creation - SBC) năm 2020 và 2021 diễn ra vào đêm 1/10 ở Canada (rạng sáng 2/10 giờ Hà Nội), Đại học Ngoại thương nhận được danh hiệu trên với giá trị giải thưởng 30.000 CAD (khoảng 540 triệu đồng).
4/10 sinh viên toàn cầu được trao giải thưởng "Tinh thần doanh nhân tiêu biểu" (Most Transformative Entrepreneurial Journey Award) là sinh viên của trường. Ngoài ra, Việt Nam có thêm một học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng nhận được danh hiệu này.
Đội thi Nanoneem đến từ Việt Nam giành ngôi vị "Quán quân toàn cầu" của cuộc thi. Đội thi này do TS Dương Nguyễn Hồng Nhung, giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), làm trưởng nhóm. Các thành viên đến từ cả Đại học Quốc tế và Đại học Ngoại thương.
Đội VỤN ART với các sản phẩm thiết kế và sản xuất bởi anh chị em khuyết tật, được ươm tạo, bảo trợ và hỗ trợ bởi Đại học Ngoại thương đã đạt giải "Dự án tiềm năng".
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương cho biết những thành tích nổi bật này có sự đóng góp công sức của các giảng viên, sinh viên, sự đồng hành của các chuyên gia, doanh nghiệp và đặc biệt là vai trò điều phối, kết nối, hỗ trợ, tư vấn từ Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo của trường (FIIS).
"Năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo, Đại học Ngoại thương sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực đội ngũ, hỗ trợ người học và kết nối, phục vụ cộng đồng, qua đó tạo ra những hạt nhân đổi mới sáng tạo, biết và dám đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp, trong cộng đồng và xã hội", ông Tuấn nói.
Sáng tạo kinh doanh xã hội (Social Business Creation - SBC) là nền tảng đào tạo sáng tạo kinh doanh xã hội dưới hình thức một cuộc thi toàn cầu do Trường Kinh doanh HEC Montréal (Canada) và GS Muhammad Yunus, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình 2006, khởi xướng, tổ chức và bảo trợ về chuyên môn và phương pháp. Từ năm 2016 đến nay, cuộc thi đã thu hút 290 đội thi, 900 người tham gia từ 70 trường đại học đến từ khắp các quốc gia.
Từ một ý tưởng về sứ mệnh xã hội khi bắt đầu cuộc thi, những người tham gia sẽ học cách tạo ra dự án/mô hình doanh nghiệp có lợi nhuận với các tác động xã hội mạnh mẽ. Bên cạnh phương thức học tập sáng tạo và trải nghiệm phong phú, SBC còn mang tới cho người tham gia cơ hội giành được nhiều giải thưởng, học bổng, khóa tập huấn, tham quan doanh nghiệp, pitching dự án trực tiếp cùng các đội thi toàn cầu tổ chức tại Canada và giành được nguồn tài trợ ươm tạo.
Sau hai mùa hợp tác triển khai tại Việt Nam năm 2018 và 2019, Đại học Ngoại thương chính thức tham gia mạng lưới đồng tổ chức của SBC trên toàn thế giới và trở thành đơn vị triển khai, tiếp nhận các dự án tại Việt Nam và khu vực tham gia toàn cầu tại Canada.