Thầy Đàm quê Quảng Bình, là sinh viên Đại học Ngoại thương khóa 1963-1967. Thời ấy, Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, mở màn bằng cuộc không kích máy bay ở Lạch Trường (Thanh Hóa) và Hạ Long (Quảng Ninh). Năm 1965, thầy và trò Đại học Ngoại thương, khi đó là trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương, phải sơ tán lên huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên trong ba ngày.
Chàng trai Đàm năm đó cùng thầy cô trong khoa ở nhờ nhà dân. Để có đủ phòng học, thầy trò phải đi chặt tre, nứa dựng lớp, lợp mái bằng lá gồi, tự làm bàn; lên rừng nhặt củi về ninh ngô, cùng dân làm công tác dân vận. "Vất vả nhưng đầm ấm như gia đình, hoàn toàn không có khoảng cách", thầy Đàm nhớ lại.
Sau tốt nghiệp, năm 1968, thầy Đàm được phân công giảng dạy môn Thanh toán quốc tế tại Đại học Ngoại thương, nay đã tách khỏi trường Ngoại giao. Lúc này, thầy cùng sinh viên chuyển địa điểm học từ Thái Nguyên về Mỹ Đức, Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Khi về địa điểm mới, thầy trò một lần nữa phải cùng nhau làm lại từ đầu. Với lớp học nhỏ 25-30 người, thầy đến nhà dân xin học nhờ, nếu đông hơn bắt buộc phải dựng lớp.
Trong gần 7 năm ra miền Bắc học và làm việc, thầy chỉ về nhà được hai lần do chiến tranh và đi lại khó khăn. "Có những thời điểm nhiều tháng bị mất liên lạc với gia đình, thư không đến hoặc không gửi được, tôi và bố mẹ không biết người kia sống chết ra sao. Những lúc đó, tôi nhận được nhiều sự động viên của học trò, đồng nghiệp", thầy nói.
Khó khăn trong thời kỳ xây dựng và duy trì lớp học ở nơi sơ tán, chưa bao giờ thầy Đàm có ý định bỏ việc với suy nghĩ dù hoàn cảnh nào vẫn phải tiếp tục giảng dạy. Gắn bó cả sự nghiệp giáo dục với Đại học Ngoại thương, thầy Đàm giữ chức Trưởng phòng Đào tạo năm 1984 và nghỉ hưu năm 2006.
Nhận công tác tại Đại học Ngoại thương trước thầy Đàm hai năm, thầy Nguyễn Trọng Đàn, 80 tuổi, nguyên giảng viên và Trưởng khoa Tiếng Anh, xúc động mỗi khi nhắc về lớp học dựng bằng tre khi sơ tán ở Mỹ Đức năm 1967.
Thầy Đàn kể, lúc đó mới tách trường, thầy cùng hai đồng nghiệp gặp người dân xin ở nhờ. Bà chủ nhà mời nước và hỏi thầy có đói bụng không. Đi từ Thái Nguyên về Hà Nội, cả ba đều rất đói nhưng không ai dám thú nhận. Sau đó, gia chủ vẫn luộc mời các thầy một nồi ốc vặn. "Chuyện đã qua hơn 50 năm, chúng tôi cũng đã đi năm châu bốn biển, nhưng không thể quên hương vị thơm ngon của nồi ốc hôm đó. Giờ mỗi khi gặp lại, cả ba vẫn rủ nhau ăn ốc", thầy Đàn nói.
Trong ký ức của thầy Đàn, lớp học sơ tán thiếu thốn mọi thứ. Bảng phấn không có, giáo viên phải để sách lên nơm úp cá và "giảng chay". Với môn tiếng Anh của thầy, công cụ hỗ trợ duy nhất là chiếc máy in roneo. Thầy thường gõ chữ, in ra giấy than rồi phát cho học trò. Tuy đói nghèo, thiếu thốn, thầy giáo trẻ khi đó ấn tượng vì sinh viên không nghỉ buổi nào. "Dường như cái đói khiến người ta quyết tâm học hơn, giúp thầy trò tình cảm và gắn kết hơn", thầy Đàn nói.
Sau mỗi buổi học, thầy trò thường không có gạo để ăn nên cùng nhau nấu cháo bằng bột mì loãng. Những lúc may mắn, nếu xin được các công ty xuất nhập khẩu hỗ trợ lương thực, trái cây như dứa hoặc dừa, bữa ăn của thầy trò mới được cải thiện. Nhiều khi có sinh viên nghỉ vì thiếu quần áo, thầy lại cùng đồng nghiệp quyên góp, nhường đồ của mình.
Ngày 14/11, trở về Đại học Ngoại thương dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, thầy Đàn được gặp lại nhiều sinh viên, trong số đó có cả những người đã trưởng thành từ lớp học lá gồi. "Những ngày sơ tán tuy vất vả nhưng luôn ấm áp sự đùm bọc của người dân và tình thầy trò. Đây là khoảng thời gian chứa nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm giáo dục của tôi", thầy Đàn chia sẻ.
Đai học Ngoại thương được thành lập năm 1960, lúc đó là lớp Ngoại thương của Khoa Quan hệ quốc tế, trường Kinh tế tài chính do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý. Trường có nhiệm vụ đào tạo nhân tài và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, tài chính - ngân hàng, luật, công nghệ và ngoại ngữ.
Hiện nay, Đại học Ngoại thương đào tạo 12 ngành với 19 chuyên ngành bậc đại học, 3 chương trình tiên tiến, 5 chương trình chất lượng cao và 3 chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế. Trường có mạng lưới đối tác gần 200 đại học, tổ chức giáo dục đến từ gần 30 quốc gia.
Đại học Ngoại thương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đại học tự chủ, theo định hướng nghiên cứu và nằm trong nhóm hàng đầu khu vực.
Thanh Hằng