Việt Nam đã ghi nhận trường hợp người lên cơn dại cắn người khác. Theo đó, tháng 5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình ghi nhận bé gái 3 tuổi ở huyện Tuyên Hóa tử vong do bệnh dại. Bố mẹ của bé bị cắn nhiều lần vào tay trong quá trình chăm sóc con, vết thương rướm máu. Còn Trung tâm Y tế TP Hà Tiên (Kiên Giang), ngày 2/11 ghi nhận một phụ nữ 31 tuổi đến chủng ngừa vắc xin dại và theo dõi sức khỏe sát sao, do bị chồng nghi mắc bệnh dại cắn, cào.
Tại Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, cho biết các trung tâm VNVC cũng từng tiếp nhận các trường hợp bị cắn, cào trong lúc chăm sóc vợ, chồng, con cái bị bệnh dại hoặc nghi dại. Sau khi tiêm phòng đầy đủ theo phác đồ của Bộ Y tế, các trường hợp đều có sức khỏe ổn định.

Virus dại lây truyền qua các vết cắn từ người và động vật nghi dại. Nguồn: Pexcel
Theo bác sĩ Chính, khi phát bệnh dại, tỷ lệ tử vong gần 100%. Vaccine và huyết thanh kháng dại là biện pháp dự phòng duy nhất hiện có. Về lý thuyết, nước bọt của bệnh nhân dại chứa mầm bệnh, có thể lây cho người khác thông qua vết cắn. Virus sẽ theo các dây thần kinh tấn công vào tủy sống và hệ thần kinh trung ương, lây bệnh cho người khác thông qua tuyến nước bọt, dịch não tủy, các tuyến nhầy ở mũi và da.
Lịch chủng ngừa dành cho trường hợp bị bệnh nhân dại cắn tương tự nhóm bị động vật cắn. Họ được khám, khai thác lịch sử tiêm chủng, xem xét tình trạng vết thương và nhận chỉ định phù hợp. Nếu chưa từng chích vaccine, nạn nhân cần hoàn thành 5 mũi tiêm bắp vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28 hoặc 8 mũi tiêm trong da vào các ngày 0, 3, 7, 28 (hai mũi một ngày). Người có nhiều vết thương ở vùng đầu, mặt, cổ, các đầu chi hoặc nơi tập trung nhiều thần kinh có thể dùng thêm huyết thanh kháng dại theo phân độ trong Hướng dẫn của Bộ Y tế.
Quy trình xử lý vết thương cũng tương tự. Nạn nhân cần được rửa sạch vết thương dưới vòi nước trong vòng 15 phút, sau đó khử khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn iốt, đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Người chăm sóc cần mang găng tay khi tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh, cách ly người bệnh khi có biểu hiện kích động, cào cắn người khác và báo chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý, hỗ trợ, đưa đến cơ sở y tế kịp thời.

Vaccine là biện pháp phòng dại duy nhất hiện có. Ảnh: Nhật Linh
Hiện dại không có thuốc đặc trị, vaccine sẽ không còn tác dụng với người đã phát bệnh. Vì vậy, bác sĩ Chính khuyến cáo một số nhóm đối tượng đặc thù có thể tiêm ngừa trước để dự phòng, gồm: bác sĩ thú y, khách du lịch, nhà thám hiểm, trẻ em thường xuyên chơi với chó, mèo, người chăm sóc người nghi bị bệnh dại... Phác đồ tiêm dự phòng dại trước phơi nhiễm (trước khi tiếp xúc trực tiếp với người hoặc động vật bị dại, nghi dại) có 3 mũi vào ngày 0, 7, 21. Nếu trong tương lai, người đã tiêm chủng đầy đủ trước phơi nhiễm bị cắn, cào, chỉ cần dùng thêm 2 mũi vaccine (vào ngày 0, 3), không cần dùng huyết thanh kháng dại.
Động vật đã chủng ngừa dại vẫn còn khả năng lây nhiễm bệnh, do virus có thể tồn tại ở lông, móng, lây nhiễm từ con vật khác trong quá trình chơi đùa. Do đó, nạn nhân vẫn cần tiêm vaccine (hoặc thêm huyết thanh kháng dại) sau khi bị cắn hoặc cào...
Hiện gần 150 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc có đầy đủ 2 loại phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Vaccine được sản xuất theo công nghệ mới, không chứa các tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ, không chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú.
VNVC có hơn 6.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, giàu kinh nghiệm, giỏi nghề, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm chuẩn an toàn của Bộ Y tế. Tất cả vaccine đều được bảo quản trong hệ thống kho lạnh, dây chuyền lạnh (cold chain) khép kín đạt chuẩn quốc tế GSP.
Nhật Linh